“Ðám cưới chuột” bức tranh dân gian ý nghĩa

10:26 - Thứ Tư, 15/01/2020 Lượt xem: 7555 In bài viết

ĐBP - “Ðám cưới chuột” là tranh dân gian Ðông Hồ in tay, bằng bản khắc gỗ thị trên giấy dó, rực rỡ màu hoa hiên, hoa hòe với điệp trắng, chàm xanh, nhấp nhánh đen than rơm rạ, phảng phất mùi hồ nếp quê hương. Ðám cưới tưng bừng một đám rước 12 con chuột và 1 con con mèo.

Tuyến trên, phía góc phải là một con mèo béo mập ngồi bệ vệ đầy sức mạnh về quyền uy, ba chân bất động, miệng ngậm, đuôi vắt cụp về phía trước, chỉ có một chân trước nhẹ nhàng giơ lên để nhận lễ vật. Ðối diện mèo là một đoàn bốn con chuột (3 già, 1 trẻ) đi thành hàng dọc trịnh trọng. Chuột già nhất đi đầu bê một con chim bồ câu béo nục, kính cẩn dâng lên trước mặt mèo. Chuột thứ hai xách cá chép to nặng trĩu. Tiếp sau là hai con chuột vừa đi, vừa thổi kèn tò te. Rõ ràng đây là một đoàn chuột “ngoại giao” mang lễ vật hậu hĩnh đi thương thuyết, cầu xin mèo cho tổ chức đám cưới.

Tuyến dưới là một đám rước dâu gồm 8 con chuột diễn ra rầm rộ nhưng không khỏi thấp thỏm, lo lắng. Dẫn đầu là chú rể đội mũ cánh chuồn, áo quần bảnh bao, cưỡi ngựa hồng. Sau đuôi ngựa là chú chuột đen lực lưỡng cầm lọng che. Tiếp đến là chuột vác tấm biển “đón dâu” thật to. Cô dâu mặc áo dài đen gấm hoa, đầu chít khăn nhung đen, tóc bỏ đuôi gà, mặt đỏ hồng hào, chễm chệ ngồi trong kiệu gỗ uy nghi, sang trọng do 4 chú chuột khiêng vai. Hai chú chuột đi cuối đoàn luôn quay đầu quan sát xem có gì biến động trong cùng thời gian đàm phán với mèo.

Cái hay của bức tranh “Ðám cưới chuột”, dường như lại nằm ngoài bức tranh.

Ðó là theo cách hiểu của người xem:

CÁCH 1: MÔ TẢ TÔN TI TRẬT TỰ XÃ HỘI

Kẻ mạnh thống trị kẻ yếu, kẻ lớn áp bức, bóc lột kẻ bé! Con mèo tượng trưng cho sức mạnh của chúa tể. Ðám cưới chuột phải răm rắp phục tùng, nếu muốn được yên tâm. Mèo bắt nạt chuột. Chuột lại bắt nạt chim, cá nhỏ bé yếu hơn. Ngay trong cộng đồng chuột cũng không hề có bình đẳng: Kẻ giàu mạnh thì cưỡi ngựa, ngồi kiệu. Kẻ nghèo hèn phải è lưng vác kiệu, vác lọng theo hầu. Ðây là trật tự,  kỷ cương trong một xã hội không có nhân quyền.

CÁCH 2: CHUNG SỐNG HÒA BÌNH

Xưa nay, mèo là thiên địch của chuột! Ðối với chuột, mèo là nỗi khiếp sợ, là hiểm họa truyền kiếp! Mâu thuẫn mèo - chuột, là mâu thuẫn một mất, một còn. Thế mà ở đây, mâu thuẫn ấy đã chấm dứt, chúng đã cùng nhau chung sống hòa bình! Mèo ngồi tiếp chuột trong tư thế rất hữu nghị, hiền lành. Trước mặt mèo, là cả họ hàng nhà chuột rầm rộ, ngang nhiên rước dâu giữa ban ngày, ban mặt với ngựa, xe, biển, lọng rợp trời, kèn thổi inh ỏi. Hình ảnh mèo hiện diện ở đám cưới như một vị chủ hôn, một người ông thân yêu. Bức tranh như một câu thần chú, nhắn nhủ thập loại chúng sinh hướng thiện! Như một ước mơ nhân ái về một xã hội xóa bỏ hận thù, để tất cả được chung sống hòa bình, hạnh phúc.

CÁCH 3: TỐ CÁO NẠN HỐI LỘ

Ðám cưới chuột như một bản án phanh phui nạn hối lộ trầm trọng, xảy ra ngay cả trong thế giới loài vật.

Mèo là con vật có ích, chuột là loài ăn hại! Xưa nay, mèo được con người tin yêu, nuôi nấng tử tế để làm công việc vẻ vang là diệt trừ chuột. Chuột là kẻ thù nguy hiểm của loài người, chúng tiêu hủy biết bao lương thực, thực phẩm, tài sản khác, lại còn sinh lắm dịch bệnh. Từ lâu, mèo như một chiến sĩ mẫu mực để giữ gìn trật tự, kỷ cương, bảo vệ tài sản cho xã hội.

Với sự cám dỗ của lễ vật, mèo đã bán mình. Một con chim béo, một con cá to đã mua được mèo. Mèo đã đồng lõa với chuột, ngồi yên cho chuột muốn làm gì thì làm. Trớ trêu thay! Mèo đã trở thành tên lính gác bảo vệ hạnh phúc cho chuột, để sau này sinh con đẻ cái đầy đàn, phát triển giống nòi. Thử hỏi sẽ tăng thêm không biết bao nhiêu tai họa cho xã hội? Nạn nhận hối lộ đã làm mèo tối mắt, đánh mất lương tâm, nhân cách, dẫn đến thoái hóa, biến chất, phản bội loài người.

Bức tranh “Ðám cưới chuột” như một bài thơ ngụ ngôn hài hước, hóm hỉnh, thâm thúy, sâu sắc để bao đời suy nghĩ.

Lương Thị Hồng Ðào
Bình luận
Back To Top