Tản văn

Tháng Chạp yêu thương

10:46 - Thứ Năm, 16/01/2020 Lượt xem: 7566 In bài viết

ĐBP - Trong các tháng của một năm, có lẽ tháng Chạp là tháng mang đến cho tôi nhiều kí ức khó quên nhất. Không chỉ gợi lên khung cảnh đặc biệt của sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tháng Chạp còn là tháng đong đầy những yêu thương.

Tháng Chạp đánh dấu một bước ngoặt lớn trong đời tôi. Giữa ngày đông se lạnh, tôi sinh con đầu lòng. Ðứa con trai kháu khỉnh cất tiếng khóc chào đời, lòng tôi dâng lên niềm hạnh phúc khó tả. Trước đó, mẹ đã lo lắng, tất bật chuẩn bị mọi thứ cho cuộc vượt cạn của tôi. Lần đầu tiên bước chân lên bàn sinh, tôi mới hiểu thấu hết những vất vả của mẹ, khi sinh tôi và nuôi tôi khôn lớn đến bây giờ. Cảm giác sinh con ra, được ôm con vào lòng thật thiêng liêng và ấm áp biết nhường nào. Phút chốc nước mắt tôi chợt tuôn trào, không chỉ bởi niềm hạnh phúc dạt dào tình mẹ, mà còn là niềm biết ơn, cảm phục trước sự hi sinh của cha mẹ dành cho mình.

Tháng Chạp về, xua tan đi sự ảm đạm của đất trời, thế chỗ cho ánh nắng vàng ấm áp len lỏi khắp nẻo đường, ngõ ngách. Hòa cùng sự chuyển mình của thời gian, trăm hoa bắt đầu đua nở, từng đàn chim én bay về chao nghiêng trên bầu trời. Thanh âm của tháng chạp còn được hiện lên rõ nét qua bức tranh của ngày đi tảo mộ. Cứ vào độ 20 tháng Chạp, cả gia đình tôi lại tụ họp để viếng thăm mộ ông bà, tổ tiên. Khi đi, ngoài hương đèn, bánh ngọt, trái cây được chuẩn bị từ trước, cha còn vác theo cây cuốc và cầm một hộp sơn nhỏ. Tất cả các thành viên trong gia đình cùng nhau dọn dẹp, sơn sửa lại phần mộ của ông bà, tổ tiên. Kí ức về ông bà chợt hiện về nghẹn ngào trong tim tôi, để tự nhắc nhở mình phải trân quý tình cảm thiêng liêng của gia đình.

Hàng năm theo phong tục truyền thống, đến khuya 22 rạng sáng 23 tháng Chạp, mẹ thường tất bật sửa soạn cho mâm cúng tiễn đưa ông Táo. Trong mâm cúng đưa ông Táo về trời, người quê tôi thường chuẩn bị những món không thể thiếu là bánh rán đường tán, xôi, chè, trầu cau. Mỗi thứ đều có ba phần, để dâng lên cho ba vị Táo quân. Còn nhớ lúc nhỏ sau khi cúng xong, cả gia đình cùng ngồi lại sum vầy bên mâm cỗ, và cầu mong năm mới được ấm no, hạnh phúc. Giờ đây, chị em tôi phải xa cha mẹ, xa quê hương, mỗi người một phương trời, chỉ biết hỏi thăm nhau qua thư từ, điện thoại. Lòng tôi không khỏi nhớ nhung về những tháng ngày đã qua, chỉ mong cuối năm, Tết đến, cả nhà được dịp đoàn tụ.

Tháng Chạp cũng là thời gian để mọi người cùng nhau ôn lại những vui buồn, được mất sau một năm, và hướng tới năm mới ấm no, hạnh phúc. Vào những ngày này, không khí gia đình lại rộn ràng hẳn lên khi làn khói tết lan tỏa nơi góc bếp, sân vườn. Ngày 30 tết rộn rã niềm vui, mọi người quây quần trong căn bếp nhỏ chuẩn bị cho bữa cúng tất niên. Có sự chung tay của cả nhà, nên mẹ đỡ phần vất vả. Lúc chị em tôi còn nhỏ chưa biết phụ mẹ việc bếp núc, mình mẹ phải lo liệu tất cả. Khi đã khôn lớn, bôn ba xứ người, lòng tôi lại càng thấm đượm tình thương của mẹ. Quanh năm mẹ một nắng hai sương lầm lũi nuôi đàn con khôn lớn, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ, từng bộ quần áo, sách vở mới cho tôi, đến lúc tôi trưởng thành lại như cánh chim bay xa mà không ở bên mẹ. Chỉ đến những ngày cuối năm, tết về, mẹ mới có thể khỏa lấp sự nhớ nhung, trông ngóng những đứa con nơi phương xa.

Tháng Chạp, tiếng còi tàu vang lên hun hút, chở nặng bao niềm trông ngóng, mong chờ. Tôi về với quê nhà, thấy lòng mình được an trú dưới khoảng trời bình yên…

Trần Thị Thắm
Bình luận
Back To Top