Ðiện Biên bảo tồn các giá trị văn hóa

08:35 - Thứ Năm, 16/04/2020 Lượt xem: 9116 In bài viết

ĐBP - Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua tỉnh Ðiện Biên đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể. Trong đó, trọng tâm là thực hiện Kết luận số 01-KL/TU ngày 20/5/2016 của BTV Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/12/2012 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về Chương trình Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Sau 8 năm, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò nòng cốt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL), đến nay việc bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Phụ nữ dân tộc Khơ Mú ở xã Mường Phăng (TP. Ðiện Biên Phủ) đánh chiêng tại Lễ hội Thành Bản Phủ. Ảnh: Anh Tuấn (Hội VHNT tỉnh)

Nỗ lực không ngừng trong công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản, đến nay tỉnh Ðiện Biên đã có 8 di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðây là kết quả quan trọng trong thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Những kết quả đó là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào các dân tộc trong tỉnh; đồng thời khẳng định được những giá trị to lớn trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc.

Ðể đạt được kết quả đó, những năm qua tỉnh Ðiện Biên đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Kiểm kê, đánh giá di sản văn hóa của các địa phương và các dân tộc; hỗ trợ phát triển nghề thủ công truyền thống hoặc hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu... Ðến nay đã có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa gồm: Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, Lào, Kháng, Dao, Hà Nhì, Hoa (Xạ Phang), Xinh Mun, Phù Lá, Tày, Nùng, Cống, Si La và Sán Chỉ, Mường, Thổ. Còn một dân tộc hiện nay chưa xác định được bởi khi kiểm kê các dân tộc phải định cư thành thôn, bản mới đảm bảo nội dung, tiêu chí kiểm kê để đánh giá, nhận diện về văn hóa của dân tộc đó. Trong số 18 dân tộc được kiểm kê thì có 11 dân tộc có di sản văn hóa, tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy; 15 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và có 2 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Trong đó Nghệ thuật Then của người Thái trắng ở Ðiện Biên (cùng với việc thực hành Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam) đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2019.

Bên cạnh đó, ngành VH, TT&DL cũng tiến hành rà soát, lập hồ sơ 26 nghệ nhân để trình và đã được Hội đồng cấp tỉnh thông qua, đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Ðồng thời rà soát các trường hợp nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ chế độ theo quy định, đảm bảo đời sống cho các nghệ nhân. Trên địa bàn toàn tỉnh đã có 9/10 huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ phát triển ít nhất 1 nghề thủ công truyền thống hoặc hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc rất ít người thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về di sản văn hóa, tỉnh đã triển khai bảo tồn Lễ cầu mùa, mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Si La; triển khai Ðề án bảo tồn văn hóa dân tộc Cống, trong đó đã bảo tồn và lập hồ sơ khoa học di sản Tết Hoa và đã được Bộ VH, TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra đồng bào dân tộc Cống cũng được tham gia nhiều lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc mình...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị văn hóa theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan nên đến thời điểm này có thể khẳng định khó có thể đạt được tất cả mục tiêu như Nghị quyết đặt ra. Trong xu thế phát triển không ngừng của xã hội cùng với sự giao thoa mạnh mẽ về văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đang đặt ra những thách thức to lớn, không chỉ đối với một địa phương mà là của toàn xã hội. Với sự quan tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành, tin tưởng rằng trong thời gian tới, tỉnh Ðiện Biên sẽ tiếp tục đạt được những thành công trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa và phát huy các thế mạnh để phát triển du lịch của địa phương.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top