Bảo tàng ảo - kho tri thức mở của nhân loại

15:26 - Thứ Hai, 04/05/2020 Lượt xem: 7865 In bài viết

Với người yêu du lịch, việc đến thăm bảo tàng địa phương là một phần không thể thiếu trong mỗi chuyến đi. Nhưng thông thường, đây cũng là danh mục điểm đến “ngốn” nhiều thời gian nhất của họ bởi những bảo tàng lớn luôn có một dòng người rất dài xếp hàng chờ đợi, cộng với số hiện vật quá lớn khiến du khách có cảm giác “cưỡi ngựa xem hoa". Tuy nhiên, giờ đây du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm, hiện vật đẳng cấp thế giới ngay tại nhà thông qua các chuyến tham quan trực tuyến.

Xu hướng của thế giới

Khi tìm kiếm một tour ảo ở bảo tàng, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi rất nhiều bảo tàng lớn trên thế giới đã sẵn sàng đón người tham quan trên mạng từ lâu. Đặc biệt, khi bước vào thế giới của Google Arts & Culture, bạn sẽ thấy mọi thứ dường như đang ở ngay trước mắt với những hiệu ứng thị giác thú vị đến không ngờ. Google Arts & Culture là một nền tảng hoạt động như một bảo tàng trực tuyến, nơi cộng đồng có thể truy cập và xem những hình ảnh có độ phân giải cao của những tác phẩm nghệ thuật trong các bảo tàng và đối tác.

Được khởi xướng cách đây gần một thập niên, dự án này ban đầu nhận được sự hỗ trợ của 17 viện bảo tàng uy tín nhất trên thế giới như: Tate Gallery ở London (Anh), Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ), Rijksmuseum ở Amsterdam (Hà Lan) hay là Bảo tàng Hermitage ở Saint Petersburg (Nga)...

Gần đây, tập đoàn Google tiếp tục mở rộng hợp tác với hàng trăm viện bảo tàng cũng như các phòng triển lãm hay các tổ chức nghệ thuật tại hàng chục nước trên thế giới, trong đó có Bảo tàng Nghệ thuật Hồng Kông (Trung Quốc), Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo ở Doha (Qatar), Trung tâm văn hóa Beaubourg ở Madrid (Tây Ban Nha)...

Bên cạnh đó, rất nhiều bảo tàng lớn trên thế giới tự xây dựng phương án bảo tàng ảo của riêng mình. Chẳng hạn như Bảo tàng Staedel (Frankfurt - Đức) đã số hóa được gần 25.000 hiện vật, xây dựng hơn 100 bộ phim kỹ thuật số phát trên mạng xã hội. Nhờ những ứng dụng hiện đại này, số người đến tham quan, nghiên cứu tại đây đã lên tới hơn 1 triệu lượt người/năm, tăng gấp hơn 2 lần so với khi chỉ thực hiện phương pháp truyền thống. Hoặc Viện Malacca (Malaysia) có mạng lưới với 24 bảo tàng, 12 phòng, đang trưng bày hơn 26.000 hiện vật. Để thu hút khách tham quan, họ sử dụng công nghệ tra cứu trên mỗi hiện vật nhằm giúp công chúng tìm kiếm thông tin nhanh chóng, dễ dàng dù ở bất cứ nơi đâu, vào bất kỳ thời gian nào...

Các bảo tàng ảo không chỉ được coi là giải pháp hữu hiệu nhất trong những thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay, mà còn là xu hướng tất yếu của ngành bảo tàng thế giới. Nhờ công nghệ mà đông đảo công chúng có thể tiếp cận những hiện vật, bộ sưu tập ở bất kỳ đâu chỉ bằng các thiết bị cá nhân có kết nối mạng.

Những chuyến đi thú vị

Nếu bạn thắc mắc liệu xem bảo tàng ảo có nhàm chán, hãy thử ngay công cụ miễn phí Google Arts & Culture để trải nghiệm những tính năng kỳ diệu của nó. Để tái tạo không gian bảo tàng như thật, người ta đã thiết kế không gian 3D với những hình ảnh ở mọi góc cạnh. Chỉ cần di chuột, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh không gian với góc xoay 360 độ, từ xa đến gần, thậm chí có cảm giác như mình đang bước trên sàn nhà thật hay gần như được chạm vào hiện vật...

Mỗi hiện vật được tái tạo ở nhiều góc độ, với những bức ảnh có độ phân giải tới 14 tỷ pixel, cho nên bạn có thể xem rõ nét đến từng chi tiết. Ngoài ra, công nghệ 3D cùng hiệu ứng chuyển động được áp dụng vào nhiều tác phẩm hội họa khiến cho chúng trở nên sống động hơn bao giờ hết.

Du khách cũng có thể dễ dàng lựa chọn địa điểm tham quan theo sở thích dựa trên những gợi ý về các phòng trưng bày nghệ thuật và bảo tàng ảo tốt nhất thế giới. Đứng đầu danh sách có lẽ là Bảo tàng Guggenheim Bilbao - một bảo tàng nghệ thuật ở thành phố Bilbao, Tây Ban Nha. Đây là một trong 7 viện bảo tàng thuộc Quỹ Solomon R. Guggenheim của Hoa Kỳ. Công trình này được coi là một trong những tác phẩm đáng ngưỡng mộ nhất của kiến trúc đương đại.

Đến với Bảo tàng Guggenheim Bilbao trực tuyến, công chúng có thể xem hàng ngàn bức tranh, tác phẩm điêu khắc, sắp đặt và tác phẩm mới trực tuyến. Có nhiều công nghệ được áp dụng như các video tương tác, video 360o, hiệu ứng đi bộ, trình chiếu kết hợp giới thiệu bằng giọng nói, hiệu ứng phóng to... cho phép người xem đến gần với nghệ thuật hơn cả những gì họ có thể làm trong đời thực.

Chính sự tiện lợi cũng như độ chân thực, chi tiết của bảo tàng ảo khiến đây không chỉ là một công cụ mang tính giải trí, trải nghiệm mà còn là một trong những phương thức tiếp cận tri thức, nghiên cứu được rất nhiều người quan tâm và yêu thích.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top