Bảo đảm chất lượng và sớm hoàn thành bộ Quốc sử, Quốc chí Việt Nam

15:32 - Thứ Năm, 18/06/2020 Lượt xem: 8194 In bài viết

Chiều 17-6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm việc với Ban Chủ nhiệm Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam; Ban Chủ nhiệm Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử) được xây dựng nhằm nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam 25 tập, gồm: Bộ Biên niên sự kiện lịch sử Việt Nam và Cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam. Theo đó, mỗi tập được coi là một đề tài khoa học cấp quốc gia. Đến nay, các đề tài cơ bản hoàn thiện bản thảo chính thức.

Theo các nhà khoa học, đề án đặt ra yêu cầu về chất lượng bộ Lịch sử Việt Nam mang tầm cỡ quốc gia, có tính kế thừa những bộ sử trước đây; tổng kết và nâng cao toàn bộ kết quả nghiên cứu của giới sử học cả nước, tiếp thu có chọn lọc thành tựu nghiên cứu của các nhà sử học nước ngoài về lịch sử Việt Nam từ trước tới nay. Trong đó, đề án tập trung vào các luận giải mới, những đánh giá phù hợp về vấn đề khoa học lịch sử đang đặt ra, bảo đảm không sao chép, không trùng lắp với các tác phẩm đã xuất bản, kể cả của chính tác giả.

Về nhiệm vụ “Xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam” (Quốc chí), Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau gần hai năm tổ chức triển khai, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thẩm định 28 tập (tương ứng với các lĩnh vực, nội dung biên soạn)… Hiện đã có 15 tập hoàn tất các thủ tục để triển khai biên soạn.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực, tâm huyết của các nhà khoa học đã tham gia biên soạn Quốc sử, Quốc chí. Phó Thủ tướng khẳng định ý nghĩa thiết thực của đề án với xã hội hiện nay và tương lai. Đề án phù hợp với chủ trương khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu, văn hóa là nền tảng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể đối với những vấn đề đặt ra trong quá trình biên soạn Quốc sử, Quốc chí; đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng cao, hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top