Gìn giữ giá trị tết Nào Pê Chầu

08:59 - Thứ Năm, 09/07/2020 Lượt xem: 8655 In bài viết

ĐBP - Tết Nào Pê Chầu là nét đẹp trong phong tục tập quán của người Mông, vì thế dù ở địa bàn nào lễ hội này luôn được đồng bào chú trọng gìn giữ. Song, việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể thì tết Nào Pê Chầu được lựa chọn tại bản Nậm Pọng, xã Mường Ðăng, huyện Mường Ảng. Ðặc biệt, từ khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể (năm 2015), chính quyền, nhân dân huyện Mường Ảng, nhất là cộng đồng người Mông nơi đây luôn có ý thức gìn giữ, phát huy nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống này.

Người dân Pú Súa tham gia thi giã bánh giầy vui tết Nào Pê Chầu.

Ông Giàng A Giống, người dân bản Nậm Pọng, xã Mường Ðăng là người am hiểu nhiều về giá trị, ý nghĩa của tết Nào Pê Chầu. Theo lời kể của ông Giống thì tết Nào Pê Chầu còn gọi là tết chính, tết cổ truyền của người Mông đen. Việc người Mông tổ chức Tết này là dịp để mỗi người con của đồng bào phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng biết ơn thành kính tới tổ tiên và các “ma nhà” đã phù hộ cho các thành viên trong gia đình, dòng họ một năm an lành, hạnh phúc. Bởi vậy, hàng năm, đồng bào Mông thường tổ chức đón Tết năm mới trước tết của người Kinh từ một đến hai tháng, tức vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch. Theo cách tính của người Mông, mỗi tháng có 30 ngày, mỗi năm 12 tháng, hết 12 tháng là năm mới. Vì thế, nét đặc biệt là năm mới không thống nhất cố định vào một ngày cụ thể mà là một khoảng ngày do hội đồng già làng trưởng bản ấn định trên cơ sở giao thời mùa vụ giữa năm cũ và năm mới; vào lúc mùa vụ năm cũ thu hoạch xong xuôi gọn gàng mà chưa bắt đầu vào mùa vụ của năm mới và yếu tố thời tiết, khí hậu thuận lợi.

Nói về các sản phẩm vật chất được tạo ra trong tết Nào Pê Chầu, ông Giàng A Giống cho biết: Ngày tết không thể thiếu bàn thờ tổ tiên. Tiếp đó là những chiếc bánh giầy, các món ăn dân tộc... Ngoài ra, để thỏa mãn nhu cầu giải trí của người dân trong dịp tết có những vật dụng để tham gia trò chơi như: Quả pa pao, các loại nhạc cụ (khèn, đàn môi, sáo, kèn lá, các ống để hát...). Có thể nói, những ngày diễn ra tết cổ truyền của người Mông cũng là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Cũng giống như người Việt, người Mông có tục hàng năm mỗi khi tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày tết, sự trở về đó là cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Ðây cũng là dịp để mọi người trong gia đình, dòng họ quây quần gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp, đồng thời tâm sự chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, niềm vui hay nỗi buồn trong cuộc sống...

Tết Nào Pê Chầu có từ xa xưa, đã trở thành phong tục được truyền từ đời này qua đời khác, giáo dục con em đồng bào Mông luôn có ý thức, trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa của dân tộc, khẳng định được vai trò mỗi người dân là chủ thể văn hóa… Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Ảng, trước đây, tết Nào Pê Chầu chỉ diễn ra với quy mô nhỏ theo từng bản, địa phương riêng lẻ nhưng đến nay đã được diễn ra thường xuyên tại bản Nậm Pọng và phổ biến tại các bản của người Mông (trừ những bản người Mông theo đạo Tin lành) trên địa bàn huyện Mường Ảng. Các nghi lễ truyền thống từ xưa thì nay vẫn được duy trì khá đầy đủ. Tuy nhiên, tết Nào Pê Chầu vẫn đứng trước nguy cơ bị mai một. Nguyên nhân là: Nhiều gia đình, chủ nhà không biết cúng trong các ngày tết, mà phải mời thầy cúng hoặc anh em trong dòng họ đến giúp; còn rất ít người Mông có khả năng chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, như là cách làm, múa, thổi khèn Mông; hát dân ca mừng năm mới cũng chỉ có một số người trung tuổi tham gia, còn lại lớp trẻ hầu như không hứng thú với những làn điệu dân ca này mà chỉ tập trung vào ném pa pao.

Bên cạnh đó, tết Nào Pê Chầu còn có nguy cơ bị mai một bởi một số bản người Mông có người theo đạo Tin lành đã không còn thờ sử ca, cúng tổ tiên hay một số tập tục khác. Trong khi đó, tết Nào Pê Chầu gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nếu người Mông theo đạo và dỡ bỏ bàn thờ đồng nghĩa với việc xóa bỏ tập tục ăn tết truyền thống. Với tình hình đó, đã đặt ra mối lo ngại về quá trình giao lưu, gặp gỡ của người Mông tại các bản, các địa phương trong tỉnh, việc này rất có thể sẽ ảnh hưởng đến lối sống, nếp nghĩ và làm thay đổi tập quán xã hội của người Mông tại bản Nậm Pọng nói riêng và người Mông trên địa bàn huyện Mường Ảng nói chung.

Trước thực tế trên, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng đã thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị, nét đẹp văn hóa của tết Nào Pê Chầu. Từ sau năm 2015, khi tết Nào Pê Chầu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, định kỳ mỗi năm Phòng Văn hóa - Thông tin đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức tết Nào Pê Chầu tại các bản có người Mông sinh sống với sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến địa phương. Gần đây nhất năm 2019, UBND huyện đã tổ chức tết Nào Pê Chầu tại bản Pú Súa, xã Ẳng Cang thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của trưởng bản, trưởng dòng họ và cả vai trò của thầy cúng cũng được huyện Mường Ảng đặc biệt quan tâm, bởi đây là lực lượng quan trọng, nòng cốt trong việc duy trì tổ chức tết Nào Pê Chầu nói riêng và phong tục tập quán của người Mông nói chung, từ đó, nhằm động viên, khích lệ họ tiếp tục trao truyền những phong tục tập quán tốt đẹp cho thế hệ trẻ.

Quang Long
Bình luận
Back To Top