Cần nâng cao chất lượng đài truyền thanh cơ sở

09:02 - Thứ Năm, 09/07/2020 Lượt xem: 9534 In bài viết

ĐBP - Hệ thống đài truyền thanh cơ sở có vai trò là kênh thông tin thiết yếu, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động của các đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông còn nhiều khó khăn, bất cập.

Cán bộ Ðài Truyền thanh xã Chiềng sơ kiểm tra thiết bị trước giờ tiếp sóng.

Thực hiện Quyết định 1552/QÐ-UBND ngày 16/12/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Ðề án Phát triển và nâng cao hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở tỉnh Ðiện Biên giai đoạn đến năm 2020, đến nay huyện Ðiện Biên Ðông có 12/14 xã, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở. Những năm qua, hoạt động của các đài truyền thanh cơ sở đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lò Văn Sơn, Bí thư Ðảng ủy xã Mường Luân cho biết: Ðài truyền thanh trên địa bàn xã là kênh thông tin hữu ích, luôn đồng hành cùng với Ðảng bộ, chính quyền xã trong việc tuyên truyền, cổ vũ, động viên người dân thực hiện các nhiệm vụ. Hiệu quả rõ nét nhất trong thời gian qua là tuyên truyền về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó nhiều người dân đã hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới là phục vụ chính mình, từ đó tích cực tham gia đóng góp ngày công, tiền, hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa... Ðiển hình như các gia đình: Lò Văn Phúi, Lò Văn Khiến, Lò Văn Thanh (bản Mường Luân 1); Lò Thanh Mai (bản Na Ten)… đã hiến từ 1.000m2 - 2.000m2 đất xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực thì hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế. Ðó là chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm hạn chế; kinh phí duy trì, bảo dưỡng hệ thống đài cơ sở còn thiếu. Hầu hết đài truyền thanh cơ sở mới chỉ đáp ứng được việc tiếp âm đài cấp trên; một số đài không tiếp âm đủ 3 cấp (cấp trung ương, tỉnh và huyện)…

Ông Vàng A Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Keo Lôm, cho biết: Năm 2019, xã được đầu tư, trang bị hệ thống đài truyền thanh. Ban đầu xã đã họp để thành lập ban biên tập soạn tin, bài phát sóng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã nhưng vì không có kinh phí, đặc biệt là không có cán bộ chuyên môn phụ trách nên không thành lập được. Hiện nay xã đang giao cho một cán bộ văn hóa kiêm nhiệm thực hiện. Chính vì vậy, đài truyền thanh xã Keo Lôm mới chỉ thực hiện nhiệm vụ thu và phát các chương trình của Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Riêng các chương trình của Ðài Truyền thanh - Truyền hình huyện Ðiện Biên Ðông vẫn chưa tiếp âm được, dẫn đến các chủ trương, chính sách của huyện chưa được tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống truyền thanh. Bên cạnh đó, do địa hình đồi núi, các bản cách xa nhau nên đài truyền thanh xã chỉ phủ sóng được khu vực trung tâm xã và một số thôn bản lân cận.

Tương tự, năm 2019 xã Luân Giói cũng được đầu tư hệ thống đài truyền thanh từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động chưa cao. Ông Lò Văn Cu, Bí thư Ðảng ủy xã Luân Giói cho biết: Hiện nay, xã chưa xây dựng được quy chế hoạt động của đài mà chỉ giao cho cán bộ văn hóa kiêm nhiệm. Tuy nhiên, do không có phụ cấp kiêm nhiệm nên hoạt động đài truyền thanh thường xuyên bị ảnh hưởng, bởi một người nhưng phải làm nhiều việc. Hiện nay, Ðài cũng chỉ tiếp âm được chương trình của Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, phát từ lúc 5 giờ - 6 giờ 30 phút và từ 17 giờ 30 - 19 giờ hàng ngày. Bên cạnh đó, việc chưa có địa điểm làm việc riêng mà phải đặt ghép cùng bộ phận khác của UBND xã cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Khó khăn nhất là việc duy trì, vận hành hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Hiện nay 100% đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện đều do cán bộ công chức văn hóa xã kiêm nhiệm. Trong khi đó, theo quy định đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hoạt động chỉ 8 tiếng/ngày, nhưng với những người kiêm nhiệm, làm thêm giờ nhưng lại không có phụ cấp, vì vậy nhiều khi chưa thực sự chú tâm cho hoạt động của đài. Bên cạnh đó, cán bộ kiêm nhiệm thiếu kinh nghiệm, không có chuyên môn nghiệp vụ, thời gian dành cho vận hành đài truyền thanh không đảm bảo; khi xảy ra sự cố, lỗi kỹ thuật rất lúng túng trong khắc phục, xử lý. Theo quy định, các đài truyền thanh cơ sở phải tự xây dựng được tối thiểu 2 chương trình/tháng, thời lượng từ 10 - 20 phút/chương trình. Thế nhưng thực tế các đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện hiện chủ yếu tiếp và phát sóng các chương trình của Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, do các xã chưa xây dựng được quy chế hoạt động, chưa thành lập được các Ban biên tập dẫn đến chưa tự tổ chức biên soạn, sản xuất được các bản tin tuyên truyền theo quy định. Mặt khác, hiện nay các đài cơ sở chưa tiếp sóng được các chương trình của Ðài Truyền thanh - Truyền hình huyện, vì vậy chưa phát huy được việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của huyện đến với người dân.

Mục tiêu theo Quyết định 1552 của UBND tỉnh đến năm 2020 là 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đài truyền thanh cơ sở tiếp sóng phát thanh của Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Ðài Truyền thanh cấp huyện; đồng thời chuyển tải kịp thời, đầy đủ các thông báo, thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở được bố trí tối thiểu 1 cán bộ phụ trách được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền và kỹ thuật vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị; 100% đài truyền thanh cơ sở tự xây dựng được tối thiểu 2 chương trình/tháng, tiếp âm chương trình phát thanh của Ðài cấp trên tối thiểu 2 giờ/ngày. Với thực tế hiện nay thì huyện Ðiện Biên Ðông rất khó đạt được mục tiêu này. Ngoài việc các đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện mới tiếp âm được 2 cấp thì mục tiêu đảm bảo 100% đài truyền thanh cơ sở được bố trí tối thiểu 1 cán bộ phụ trách là rất khó. Lý do là hiện nay các cấp, ngành, đơn vị đang thực hiện tinh giản biên chế và quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top