Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ cần linh hoạt và phù hợp thực tiễn

15:09 - Thứ Hai, 13/07/2020 Lượt xem: 9299 In bài viết

Sau nhiều ồn ào từ những đợt xét tặng danh hiệu vừa qua, Nghị định số 89/2014/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, đòi hỏi cần được chỉnh sửa để phù hợp tình hình thực tế. Đó là lý do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định này.

Tại lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ chín, năm 2019. Ảnh: Quang Vinh

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong quá trình triển khai xây dựng dự thảo Nghị định, tính đến tháng 6-2020, Bộ đã nhận được hơn 100 văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan. Trên cơ sở này, dự thảo đưa ra nhiều quy định mới bám sát thực tiễn hơn, trong đó đề cập những thay đổi trong cách tính “tuổi nghề”.

Cụ thể, Nghị định 89/2014/NĐ-CP quy định, nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu cần có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp ít nhất 15 năm với NSƯT và 20 năm với NSND. Riêng hai lĩnh vực múa và xiếc được giảm 5 năm cho mỗi danh hiệu. Thời gian này được xác định từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ. Quy định “cứng” này có phần gây khó cho một số đối tượng khi trên thực tế, có nhiều nghệ sĩ xuất sắc ở các loại hình nghệ thuật truyền thống không được đào tạo ở các trường lớp chuyên nghiệp mà trưởng thành bởi cách truyền nghề từ thế hệ đi trước. Cũng có những nghệ sĩ ngay từ nhỏ đã tham gia biểu diễn chuyên nghiệp thay vì tốt nghiệp xong mới hành nghề; hoặc đã ra trường nhưng không hoạt động nghệ thuật ngay mà một thời gian sau mới trở lại hoạt động… Trước thực tế này, để tính tuổi nghề, bên cạnh quy định về thời gian tốt nghiệp, dự thảo còn bổ sung thêm quy định: “hoặc thời điểm cá nhân được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ”, nhằm tránh bỏ sót việc tôn vinh những nghệ sĩ tài năng có nhiều đóng góp. Dự thảo Nghị định cũng đưa ra một số điều chỉnh tích cực khác như, giảm tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng các cấp xuống còn 80% thay vì 90% như trước,…

Tuy nhiên, bên cạnh những điều khoản sửa đổi được nhiều người hưởng ứng, một số điều chỉnh trong dự thảo vẫn đặt ra những băn khoăn cho giới trong nghề. Tại Hội nghị - Hội thảo góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 89/2014/NĐ-CP vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, không ít thắc mắc xoay quanh tiêu chí về quy đổi giải thưởng được đặt ra. Theo đó, ở dự thảo Nghị định sửa đổi, một số thành phần được quy đổi giải thưởng đã bị thu hẹp lại. Chẳng hạn, với lĩnh vực sân khấu, các thành phần sáng tạo như chỉ đạo nghệ thuật, người làm âm thanh, ánh sáng cho vở diễn vẫn được quy đổi giải thưởng theo quy định của Nghị định 89/2014/NĐ-CP, nhưng dự thảo Nghị định sửa đổi lại không đề cập. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, điều này chưa hợp lý bởi đối với thành công của một tác phẩm sân khấu, vai trò của chỉ đạo nghệ thuật rất lớn, vai trò của những người làm âm thanh, ánh sáng cũng ngày càng được coi trọng.

Bên cạnh đó, quy định mới trong dự thảo yêu cầu cá nhân muốn xét danh hiệu NSND hay NSƯT phải có ít nhất một giải Vàng quốc gia cá nhân cũng làm dấy lên nhiều ý kiến tranh luận. Mặc dù việc bổ sung quy định này là hình thức đề cao vai trò, dấu ấn cá nhân trong lao động nghệ thuật, giúp hạn chế tình trạng một số nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu chỉ dựa vào việc quy đổi giải thưởng từ tác phẩm, song lại có vẻ chưa phù hợp với một số đối tượng đặc thù. NSND Hoàng Dũng, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội bày tỏ quan điểm, quy định trên có thể khả thi đối với lực lượng nghệ sĩ biểu diễn vì một liên hoan, hội diễn sẽ có khoảng vài chục huy chương dành cho diễn viên, nhưng sẽ khó cho đạo diễn bởi thường một liên hoan chỉ có duy nhất một giải cho đạo diễn xuất sắc… Nên nếu áp dụng quy định này, cần điều chỉnh cả quy chế của các hội diễn, liên hoan để có giải dành riêng cho các đạo diễn. Như thế, họ mới có cơ hội chạm tay tới các danh hiệu.

Đồng thời, nhiều nghệ sĩ cũng kiến nghị dự thảo Nghị định sửa đổi cần bổ sung thêm quy định về việc thu hồi danh hiệu đối với các nghệ sĩ vi phạm để bảo vệ giá trị danh hiệu. Bởi trên thực tế, từng có những cá nhân sau khi được công nhận danh hiệu đã có những hành xử không phù hợp, gây tác động tiêu cực tới hình ảnh nghệ sĩ… Đây là những đóng góp của giới chuyên môn cần được Ban soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi tiếp thu, nghiên cứu và hoàn thiện, sao cho Nghị định mới về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ trở thành hành lang pháp lý vừa linh hoạt, thông thoáng để không bỏ sót tài năng, vừa bám sát đặc thù từng lĩnh vực nghệ thuật để tôn vinh đúng người, bảo đảm sự danh giá của danh hiệu.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top