“Đôi cánh” nâng giá trị thưởng thức văn học

09:39 - Thứ Ba, 08/09/2020 Lượt xem: 6515 In bài viết

Thời gian gần đây, liên tục những tác phẩm văn học kinh điển, tiêu biểu được xuất bản lại và làm mới bằng cách kèm nhiều tranh minh họa đặc sắc của các họa sĩ đương đại, tạo nên hiện tượng trong làng sách. Theo nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, cách làm này như “đôi cánh” nâng giá trị thưởng thức cho người đọc, kích thích xuất bản sách in phát triển.

Hình thức xuất bản sách có tranh minh họa thu hút nhiều độc giả đến với các tác phẩm văn học kinh điển Trong ảnh: Độc giả tìm đọc sách tại Phố sách Hà Nội. Ảnh: Thụy Du

Cuộc song hành giữa văn chương và hội họa

Ấn bản tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng do Nhà Xuất bản Văn học và Công ty cổ phần Văn hóa Đông A (Đông A) phát hành trong tháng 8 vừa qua đã lập tức thu hút sự quan tâm và đặt mua của độc giả. Đây là ấn bản khá đặc biệt từ nội dung đến hình thức. Sách được in từ bản in đầy đủ đầu tiên và duy nhất khi nhà văn Vũ Trọng Phụng còn sống (năm 1938), giúp độc giả có thể tiếp cận với một văn bản quý để so sánh và nghiên cứu. Bên cạnh đó, sách còn có tranh minh họa mới của họa sĩ Thành Phong với nét độc đáo, trẻ trung, hiện đại, đồng thời lột tả được sự trào phúng, châm biếm đặc trưng trong tác phẩm.

Cùng thời điểm, Nhà Xuất bản Văn học và Đông A còn ra mắt cuốn “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”. Ngoài những truyện ngắn đặc sắc trong cuộc đời cầm bút của Nguyễn Huy Thiệp, ấn bản này giá trị ở những bức tranh của 18 họa sĩ đương đại thành danh, như: Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phan Cẩm Thượng, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn… với phong cách, suy tư và cảm nhận khác biệt, thú vị.

Trước đó vài năm, Nhà Xuất bản Kim Đồng phát hành cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài) và cuốn “Lĩnh Nam chích quái” (Trần Thế Pháp), với phần vẽ minh họa sinh động của họa sĩ Tạ Huy Long, đã gây được tiếng vang trong giới xuất bản. Đến nay, hai ấn bản này đã được in lại nhiều lần. Cũng xu hướng vẽ tranh minh họa mới cho tác phẩm kinh điển, năm 2017, Nhà Xuất bản Văn học và Đông A từng kết hợp ra mắt “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) với phần minh họa của 15 họa sĩ tên tuổi: Thành Chương, Đặng Tiến, Đinh Quân, Hồng Việt Dũng… và “Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu) với phần vẽ của họa sĩ Nguyễn Công Hoan. Sau đó, những bản vẽ tay minh họa cho các sách này được triển lãm, bán đấu giá và thành một dấu ấn trong làng văn nghệ…

Theo Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ, đây là cuộc gặp gỡ giữa văn chương và hội họa để cùng thăng hoa. Họa sĩ không minh họa đơn thuần, lấy cảm hứng từ văn học để sáng tạo tác phẩm mới. Sự kết hợp giữa văn học và hội họa, cộng với những chăm chút về trình bày, in ấn đã và đang tạo nên những giá trị cao hơn cho sách, không chỉ để đọc, mà còn để ngắm nhìn, trưng bày…

Triển vọng cho xuất bản sách in

Là một người yêu thích văn học, chị Vũ Minh Phương (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Tuy đã có hầu hết những cuốn sách hay, tiêu biểu của văn học Việt Nam, nhưng tôi vẫn chú ý và sưu tầm các ấn bản mới, có tranh để thưởng thức lại. Sách xuất bản trước đây thường dày đặc chữ, dù nội dung hay, nhưng các con tôi ngại đọc. Sách bây giờ có hình thức mới, bắt mắt, nhiều tranh nên thu hút chúng hơn”.

Trong khi đó, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng cho rằng, độc giả ngày nay có cảm hứng đọc sách khác trước, họ thích sự gần gũi, dễ tiếp cận. Vì vậy, tranh minh họa của các họa sĩ đương thời vẽ theo phong cách hiện đại là cầu nối để kéo không gian trong các tác phẩm ra đời nhiều năm trước đến người đọc hôm nay, nhất là các bạn trẻ. Cũng theo nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, tranh minh họa như “gia vị” cho tác phẩm văn học, làm gia tăng xúc cảm thẩm mỹ của người đọc, từ đó, tác phẩm ở trong lòng độc giả lâu hơn.

Tuy nhiên, minh họa cho tác phẩm văn học, đặc biệt là các tác phẩm giá trị, đã quen thuộc với độc giả nhiều thế hệ là thách thức với các họa sĩ đương đại. Đã tham gia minh họa cho nhiều tác phẩm nổi tiếng, họa sĩ Kim Duẩn chia sẻ, tác phẩm văn học hay, được kiểm chứng qua thời gian luôn thu hút họa sĩ vẽ tranh. Song, để vẽ thành công và phù hợp với yêu cầu của ấn bản mới thì họa sĩ phải nghiên cứu kỹ tác phẩm, từ đó lựa chọn vẽ khung cảnh hoặc ý truyện đặc sắc. Nếu minh họa sách cho người lớn, thì vẽ đơn giản, ít màu, nổi bật ý chính; còn minh họa sách cho thiếu nhi, thì vẽ sinh động, bắt mắt. “Với yêu cầu xuất bản hiện nay, họa sĩ minh họa không thể nghiệp dư, mà phải theo đuổi nghề nghiêm túc, liên tục trau dồi, tích lũy, làm mới mình để tạo ra những tác phẩm gợi mở, hình dung cho người đọc về nội dung sách”, họa sĩ Kim Duẩn bày tỏ.

Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ cho biết, qua tương tác của độc giả và số lượng tiêu thụ có thể thấy, hình thức xuất bản sách có tranh minh họa, không chỉ thu hút những người trẻ đến với những tác phẩm văn học kinh điển, giá trị, mà còn đáp ứng và thỏa mãn thú “chơi” sách bản đẹp, bản đặc biệt của một bộ phận người yêu sách. Qua đó mở ra hướng triển vọng cho xuất bản sách in.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top