Mường Ảng bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc

09:28 - Thứ Tư, 30/09/2020 Lượt xem: 9019 In bài viết

ĐBP - Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Ảng cho biết: Là địa bàn có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có những nét đặc trưng văn hóa riêng, do vậy thời gian qua cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Hàng năm, phòng Văn hóa và Thông tin huyện làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đến nhân dân cũng như du khách trong, ngoài huyện; đồng thời, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 5 năm qua, toàn huyện đã treo hàng trăm lượt băng rôn, tổ chức nhiều lượt xe tuyên truyền lưu động; xây dựng các tin, bài phát trên hệ thống truyền thanh huyện, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ðiện Biên Phủ... 

Ông Quàng Văn Cá, bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở là người nắm rõ nhiều nét đẹp văn hóa của dân tộc Khơ Mú, ông vừa được cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ, gửi lên cấp trên để xem xét, đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Trong ảnh: Ông Cá trình diễn nhạc cụ của dân tộc Khơ Mú.

Xác định công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, thời gian qua, huyện Mường Ảng đã phục dựng một số lễ hội, lễ tết truyền thống trên địa bàn, như: Lễ hội Tra hạt (dân tộc Khơ Mú), Tết Nào Pê Chầu (dân tộc Mông)... Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã tổ chức bảo tồn Tết Nào Pê Chầu tại 4 bản thuộc các xã: Ẳng Cang, Xuân Lao, Nặm Lịch, Ngối Cáy. Ðồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, lựa chọn địa điểm, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 2 di sản văn hóa phi vật thể (trình diễn nghệ thuật múa Khơ Mú, trình diễn khèn Mông). Hiện nay, huyện có 2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Ông Lý A Lệnh ở bản Chan II, xã Mường Ðăng là một trong 2 nghệ nhân ưu tú của huyện Mường Ảng. Không chỉ biết thổi khèn, múa khèn, mà ông Lệnh còn tự chế tác được cây khèn Mông cổ truyền. Ông Lệnh chia sẻ: “Với người Mông chúng tôi, cây khèn không chỉ là nhạc cụ truyền thống độc đáo, mà còn là một vật thiêng. Do vậy, bản thân tôi không chỉ nỗ lực để lưu giữ mà còn cố gắng phát huy những giá trị, bản sắc của cây khèn này trong đời sống người Mông”.

Ðể bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc, huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc của huyện định kỳ 2 năm 1 lần, với các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, như: Giao lưu văn nghệ, trình diễn múa khèn Mông, giã bánh giầy, đánh tù lu, tung còn, bắn nỏ, kéo co; thi và giới thiệu ẩm thực... UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo mở các lớp dạy tiếng Thái học sinh cấp tiểu học. Thông qua hoạt động dạy và học tiếng Thái đã giúp các em học sinh nâng cao kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Thái và chữ Thái, từ đó hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc mình. Cùng với đó, để tổ chức phục dựng, phát huy các lễ hội truyền thống, huyện Mường Ảng đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà văn hóa để bà con sinh hoạt; đồng thời, hỗ trợ kinh phí bảo tồn và phát triển một số loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ, lễ hội và trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống…

Nhằm đánh giá công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Ảng, cuối tháng 8 vừa qua, đoàn giám sát của HÐND tỉnh đã giám sát “Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-HÐND về Ðề án Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Sau khi đi thực tế tại cơ sở cũng như nghe UBND huyện báo cáo, đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 24 của huyện Mường Ảng; đồng thời đề nghị huyện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa, phát huy giá trị, thực hiện tốt việc bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể... từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top