Gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc trong trường học

12:54 - Thứ Bảy, 24/10/2020 Lượt xem: 10988 In bài viết

ĐBP - Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng; cùng với mặt tích cực mà xã hội hiện đại mang lại, thì kéo theo đó là nguy cơ về sự mai một các giá trị truyền thống dân tộc; nhất là trong thế hệ trẻ. Ðể hạn chế, khắc phục điều đó, bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục các em phải biết yêu, tôn trọng các giá trị văn hóa dân tộc (VHDT) từ trong gia đình, thì tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức và năng lực giữ gìn truyền thống VHDT cho học sinh trong các trường học giải pháp hiệu quả nhất.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của các em học sinh Câu lạc bộ Dân ca - Dân vũ - Nhạc cụ - Trang phục dân tộc, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh, giữ gìn truyền thống VHDT là một trong những nội dung giáo dục quan trọng, nhằm giúp học sinh vừa tiếp thu những tiến bộ xã hội, vừa giữ gìn, phát huy tốt nét đẹp văn hóa truyền thống. Năm học 2020 - 2021, Trường có 592 học sinh thuộc 16 dân tộc; trong đó dân tộc Thái (281 học sinh), Mông (200 học sinh), Cống (25 học sinh), Khơ Mú (14 học sinh)... Ðể giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ngoài giờ chính khóa, Trường tổ chức các buổi ngoại khóa, sinh hoạt tập thể nhằm tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, giúp học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh đó, Trường còn đưa các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian vào hoạt động giữa giờ trải nghiệm để truyền dạy cho học sinh. Qua đó, giúp học sinh có điều kiện giao lưu, học hỏi, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình, cũng như các dân tộc khác.

Vào ngày thứ 2 đầu tuần và các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm, Trường PTDTNT tỉnh quy định các em học sinh đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nếp sinh hoạt này đã được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay, giúp các em hiểu được ý nghĩa của từng bộ trang phục cũng như thêm yêu bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cùng với đó, Trường còn lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương vào từng môn học. Ðối với văn hóa vật thể, học sinh được truyền dạy về trang phục truyền thống của dân tộc, trò chơi dân gian, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Em Nguyễn Ngọc Hải, lớp 12C1 cho biết: Trong chương trình giáo dục kỹ năng sống, chúng em được thầy cô truyền đạt về gìn giữ truyền thống VHDT qua hình thức tích hợp các môn học ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Chúng em được tham gia chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng như sân khấu hóa tham quan, tìm hiểu thực tế tại các điểm di tích lịch sử. Ngoài ra, chúng em còn được Trường giới thiệu các món ăn của các đồng bào dân tộc như xôi ngũ sắc, cơm lam, bánh chưng… Qua đó, chúng em hiểu được về giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, được tiếp cận và góp phần giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống đó.

Có mặt tại buổi sinh hoạt định kỳ hàng tuần của Câu lạc bộ (CLB) Dân ca - Dân vũ - Nhạc cụ - Trang phục dân tộc của Trường PTDTNT tỉnh, chúng tôi được đắm chìm trong những điệu múa, lời ca đậm đà bản sắc dân tộc Thái. Mặc dù chưa thực sự nhuần nhuyễn nhưng trong mỗi lời ca, điệu múa của các em học sinh đều chan chứa tình yêu với VHDT. Hiện tại CLB có 92 học sinh tham gia, các em sinh hoạt theo từng tháng với những chủ đề khác nhau, trong đó tháng 10 sinh hoạt với chủ đề là “Tìm hiểu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trình diễn trang phục của dân tộc Thái và dân tộc Lào”. Tham gia CLB ngay từ khi bước vào mái trường nội trú, em Lò Thị Thu Hoài, lớp 11B5 đã tự tin hơn rất nhiều khi thể hiện tài năng ca hát của mình. Chia sẻ với chúng tôi, Hoài cho biết: Em rất thích thú khi được tham gia vào CLB, nhất là sau những giờ học căng thẳng, chúng em được ngồi lại với nhau để được hòa mình vào những bài hát dân tộc. Giờ đây, không chỉ hiểu thêm về văn hóa và nghệ thuật trình diễn của dân tộc Thái mà em còn được tìm hiểu thêm nhiều nét VHDT đặc sắc của các dân tộc khác.

Cô Phạm Lệ Thanh, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh cho biết: Mỗi học sinh trường PTDTNT tỉnh là đại diện văn hóa của một vùng quê, một dân tộc. Vì vậy, nhà trường luôn tạo điều kiện để học sinh được thể nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác để dòng chảy văn hóa không ngừng được nuôi dưỡng và lớn mạnh. Cùng với đó, Trường tổ chức các hoạt động tìm hiểu, giao lưu văn hóa để học sinh được trao đổi học tập và cùng tham gia vào việc gìn giữ truyền thống VHDT. Nhờ được tiếp xúc thường xuyên với các hoạt động văn hóa và thông qua hoạt động văn hóa mà học sinh sẽ nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc và nỗ lực học tập tốt để sau này đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top