Độc đáo Tết Hoa của dân tộc Cống ở Lả Chà

11:44 - Thứ Ba, 24/11/2020 Lượt xem: 9839 In bài viết

ĐBP - Tết Hoa mào gà hay còn gọi là Tết Hoa, theo tiếng của đồng bào dân tộc Cống là Mền Loóng Phạt Ái là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Điện Biên. Trong 2 ngày 23 - 24/11, đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, đồng bào dân tộc Cống tại bản Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) tổ chức đón tết trong không khí vui tươi và giàu bản sắc.

Tết Hoa của dân tộc Cống ở Lả Chà là một nét văn hóa độc đáo, khẳng định quá trình hình thành, tồn tại và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Tết Hoa cũng gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng mang đậm triết lý nhân sinh. Tết không chỉ để tạ ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe, may mắn cho mọi người mà còn là dịp để cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cầu an đầu năm mới. Ðây cũng chính là dịp để gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc thông qua những lời khấn của thầy mo thay mặt cho các gia đình trong bản.

Tết Hoa của dân tộc Cống gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ tổ chức tại nhà thầy cúng hoặc trưởng dòng họ sau đó mỗi gia đình sẽ về làm lễ tại bàn thờ tổ tiên của gia đình mình. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian mang nhiều nét đặc sắc… Suốt trong những ngày Tết, cả bản tưng bừng trong không khí lễ hội, họ nắm tay nhau trong điệu xòe đoàn kết và cùng hát những làn điệu dân ca truyền thống rồi nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản làng bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi, nảy nở.

Một số hình ảnh trong ngày Tết Hoa tại bản Lả Chà, xã Pa Tần:

Từ sáng sớm, mỗi gia đình đều cử người lên nương hái hoa mào gà.
Người đi hái hoa thường là phụ nữ trong gia đình, họ chọn lấy những bông hoa mào gà đẹp nhất đem về làm lễ cúng và trang trí nhà cửa.
Trước khi mổ lợn để làm lễ cúng cho dân bản, con lợn được đem lên nhà thầy mo để “làm lý” báo cáo thần linh và tổ tiên.
Con gà lễ vật của gia chủ cũng được “làm lý” trước khi đem đi thịt.
2 bát gạo và trứng để “cúng hồn” cho những người trong gia đình.
Sau đó 1 bát gạo được bỏ vào trong chõ đồ xôi và thầy mo đọc một bài khấn với ý nghĩa cầu mong sự ấm no, hạnh phúc.
Sau khi “làm lý”, con lợn chọn làm lễ vật được các thanh niên trai tráng trong bản đem ra suối mổ.
Trên bàn thờ tổ tiên của người Cống không thể thiếu 2 loại hoa mào gà (vàng, đỏ), củ đậu và khoai sọ.

 

Thầy mo “cúng hồn” cho người cháu đích tôn, người được cho rằng sẽ kế tục việc thờ cúng sau này.
Những đứa trẻ ở bản Lả Chà vui chơi trong ngày Tết.
Sau các phần nghi lễ tâm linh, mọi người dân trong bản sẽ tham gia vào các hoạt động của ngày hội với nhiều trò chơi dân gian và các điệu múa truyền thống.
Khi đêm đã về khuya, mọi người cùng nắm tay nhau trong điệu xòe đoàn kết.

 

Phóng sự ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top