Vì sao bộ phim “Lửa ấm” trên VTV1 bị chuyên gia HIV/AIDS phản ứng?

15:40 - Thứ Tư, 25/11/2020 Lượt xem: 7734 In bài viết

Một số nội dung liên quan tới dịch HIV/AIDS được đề cập trong bộ phim truyền hình “Lửa ấm” đang chiếu vào giờ vàng (21 giờ) trên kênh VTV1 không đúng với thực tế về dịch bệnh này, thậm chí có thể gây ra phản cảm. 

Chiều 24-11, tại giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã thông tin về công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn Hà Nội.

Đáng chú ý, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khi trả lời báo chí đã chỉ rõ một số nội dung liên quan tới dịch HIV/AIDS được đề cập trong bộ phim truyền hình “Lửa ấm” đang chiếu vào giờ vàng (21 giờ) trên kênh VTV1 không đúng với thực tế về dịch bệnh này, thậm chí có thể gây ra phản cảm.

Theo bà Lan khi xem phim đã cảm thấy rất buồn khi một số phân cảnh trong phim chưa đúng với thực tế về căn bệnh HIV/AIDS, như: Trong phân cảnh người lính cảnh sát PCCC khi bế người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện thì được bác sĩ thông báo bị phơi nhiễm HIV. "Đây là một chi tiết sai vì không phải cứ tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV là bị phơi nhiễm."- bà Lan giải thích. Đồng thời cho biết thêm một chi tiết trong phim nêu về cách xử lý phơi nhiễm HIV cũng bị sai lệch nghiêm trọng.

Bà Lã Thị Lan trả lời báo chí tại giao ban báo chí Hà Nội chiều 24-11.

Theo đó, trong phân cảnh bác sĩ đưa kết quả của bệnh nhân bị dương tính thì các bác sĩ có trao đổi bị phơi nhiễm HIV và phải cách ly 2 ngày để phòng lây nhiễm ra cộng đồng. "Tất cả các bác sĩ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS của chúng tôi đều "dậy sóng" trước câu nói này. Có lẽ do truyền thông dịch Covid-19 mạnh quá và Covid-19 phải cách ly 14 ngày còn HIV nhẹ hơn nên trong phim mới có yêu cầu cách ly 2 ngày như vậy. Thực sự chúng tôi rất buồn về việc này"- bà Lan bày tỏ và cho rằng nhiều chi tiết trong phim đã xác định sai thế nào là phơi nhiễm HIV và xử lý phơi nhiễm. Bởi lẽ, nếu cứ tiếp xúc với máu của người bị tai nạn giao thông mà nhiễm HIV thì sau này nếu có ai gặp người bị tai nạn giao thông ngoài đường thì liệu họ có dám cấp cứu hay không?.

Đối với cách xử lý phơi nhiễm, các cơ quan chức năng đã xử lý truyền thông ngay từ đầu và qua rất nhiều lớp tập huấn nhưng những chi tiết trong phim lại cho thấy sai về mặt chuyên môn rất nghiêm trọng và điều này sẽ làm cho cộng đồng lo sợ HIV. "Mới có phơi nhiễm đã hoảng hốt rồi cách ly 2 ngày... sẽ làm cho cộng đồng sợ HIV. Thực sự đó là sai rất nghiêm trọng, dù vấn đề đó rất phổ thông mà nhiều người nổi tiếng đóng như vậy lại không nắm được. Vấn đề này không cần các chuyên gia nhưng sai như vậy lại chiếu trên VTV1 vào giờ vàng, rất nhiều người xem nên chúng tôi thấy lo..."- bà Lan bày tỏ.

Tính đến ngày 31-10, Hà Nội đã phát hiện được 29.931 ca nhiễm HIV và là địa phương có số người nhiễm nhiều thứ 2 cả nước, sau TPHCM. Số người nhiễm HIV tử vong tích lũy là 6.222 ca. Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện năm 2020 chủ yếu là nam giới chiếm 78,7%;  độ tuổi từ 15-25 chiếm 26,3% (tăng 8,1% so với năm 2010). Đường lây nhiễm qua quan hệ tình dục tiếp tục gia tăng, từ 22,5% (năm 2010) lên 74,5% (năm 2019) và 72,6% (10-2020).

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top