Hoa ban - “nàng thơ” vun đắp văn hóa dân tộc Thái

09:19 - Thứ Năm, 10/12/2020 Lượt xem: 9787 In bài viết

ĐBP - Từ xa xưa, những cánh hoa ban mỏng manh, tinh khôi đã gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc. Hình ảnh hoa ban đi sâu vào tiềm thức, tâm linh, văn hóa người Thái, là loài hoa cầu cuộc sống bình an, hạnh phúc, gửi gắm tâm tình của những cô gái trẻ, là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc, họa, tô điểm bản làng khi vào xuân và còn là món ăn độc đáo, đặc trưng của dân tộc.

Người dân thích thú ghi lại hình ảnh đẹp về hoa ban tại đường vào Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.

Trong ngôn ngữ dân tộc Thái, ban có nghĩa là ngọt - vị của loài hoa khi ăn. Tên ban không chỉ được gọi theo mùi vị mà lý do có lẽ hầu hết mọi người đều biết. Ðó là chuyện tình thủy chung son sắt mà ngang trái của chàng Khum - nàng Ban. Tên nàng được đặt cho loài hoa bung nở trắng muốt khắp núi rừng. Dân gian còn truyền kể, khi hoa ban mới xuất hiện, thân cây trơ trụi lá, hoa nở dày trên cành, e ấp, dịu thơm, người dân trong vùng đều thấy lạ tìm đến xem. Bà con dân bản ngắt hoa về đồ, luộc ăn có vị ngọt. Sau khi người nhà của tạo mường đến bẻ cành hái hoa thì hoa ban có cả vị chát. Vừa ngọt, vừa chát như mối tình trai gái say đắm mà cay đắng, không thành. Rồi từ năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, hoa ban trở nên thân thuộc, song hành cùng dân tộc Thái, đi vào mọi hoạt động văn hóa và trở thành một biểu tượng muôn đời của một dân tộc giàu bản sắc. Theo những người cao tuổi kể lại, mùa xuân đến, khi ban nở trắng rừng, con trai xuống suối bắt cá, con gái lên rừng hái hoa. Hoa ban mang về cắm bàn thờ, trang trí gia đình, rồi chế biến thành món ăn, đưa lên cúng, báo cáo tổ tiên mùa xuân đã đến, hoa ban đã nở. Ðây cũng là thời điểm đánh dấu trai gái vào hội, rủ nhau vui chơi, đối đáp.

Trong quan niệm của người dân tộc Thái, hoa ban tượng trưng cho ước mơ, hạnh phúc, khát vọng yêu thương, tình yêu chung thủy và sức sống mãnh liệt. Ðến nay, nhiều gia đình người Thái ở Ðiện Biên vẫn duy trì thói quen chọn những bông hoa ban nở đầu mùa để đem về trưng trong nhà. Theo họ, hoa đầu mùa thường có hương sắc đậm đà, không chỉ làm đẹp, tỏa hương thơm cho ngôi nhà mà còn thể hiện những điều thiêng liêng. Bà Lường Thị Song, bản Co Củ, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Ðến mùa hoa ban thì cả người già, người trẻ đều rủ nhau vào rừng hái hoa về cắm. Người ta còn chọn những nụ hoa vừa hé nở cài vào mái tóc nhau, mong sức khỏe dồi dào, hạnh phúc, sống lâu trăm tuổi để được thấy nhiều mùa hoa ban.

“Chuyện tình hoa ban có ý nghĩa sâu sắc với dân tộc Thái. Phát triển theo nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của cộng đồng xã hội trong các thời kỳ khác nhau, hoa ban được ca ngợi, tôn thờ, biểu tượng hóa, dần dần đi vào tâm linh người Thái, sinh ra các nghi thức, lễ hội. Qua các hoạt động đó tưởng nhớ đôi trai gái và cầu may, cầu an, vạn vật sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa, cơm no áo ấm, ví dụ như kin pang then, kin lẩu ló… Từ hình thái sinh hoạt lễ hội, hình thành các trò chơi đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cộng đồng, sinh ra các điệu múa, múa hái hoa, tặng hoa vào mùa xuân. Khi có khách quý đến múa tặng khách, chế biến món ăn từ hoa ban mời khách. Ðồng thời sinh ra các điệu nhạc phục vụ múa. Ngoài ra trai, gái muốn thổ lộ tình cảm bằng ngôn ngữ thi ca, dần phát triển các làn điệu khắp, hát đối ca ngợi, tỏ tình, những truyện thơ, áng văn thơ phục vụ cuộc sống tinh thần. Bởi vậy kho tàng văn học của người Thái đồ sộ với nhiều tác phẩm cả trước đây cả hiện đại sáng tạo nhiều về hoa ban” - Nghệ nhân ưu tú Mào Văn Ết, người am hiểu văn hóa dân tộc Thái chia sẻ. Và dù ở thể loại văn học, nghệ thuật nào, hoa ban cũng tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn, tính cách con người. Các tác giả dân gian thường lấy hoa ban làm thước đo để đánh giá đạo đức, tư tưởng, tình cảm. Ðó chính là điều làm cho các tác phẩm văn học của người Thái thêm thi vị và mang tính nhân văn sâu sắc. Các đội văn nghệ quần chúng dân tộc Thái hiện vẫn lưu giữ và cả biên đạo mới những điệu múa lấy cảm hứng từ hoa ban, như bài múa hoa rừng, hái hoa ngày xuân, quắt bó héo (quét hoa tàn để hoa về với cây, bay về trời)…

Hoa ban không chỉ là một “nàng thơ” cho những cảm hứng sáng tác văn chương, thi ca, nhạc họa, cho cội nguồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái mà còn có rất nhiều công dụng trong đời sống thường ngày, là món ăn ngon, bài thuốc quý lưu truyền từ bao đời nay. Trong mâm cơm đãi khách những ngày xuân không thể thiếu món nộm ban đặc trưng, tạo ấn tượng với bạn bè phương xa. Hoa ban thực sự đã đi vào đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh người Thái, có mặt trong mọi lễ hội, phong tục, tập quán của người Thái. Như Nghệ nhân Mào Văn Ết chia sẻ: “Mùa xuân đến, nghĩ đến hoa ban ai nấy đều rạo rực chờ ngày vui hội. Người Thái rất coi trọng cây hoa ban, gửi gắm lời răn dạy sống phải yêu nhau, chết đi cũng yêu thương nhau. Cây ban góp phần phát triển tâm hồn, thể chất, tinh thần dân tộc Thái”.

Mùa hoa ban nở hàng năm cũng là dịp đồng bào dân tộc Thái mở các lễ hội như: Xên bản, xên mường, nàng Han, kin pang then hay mới đây được tổ chức, tạo dựng thương hiệu mảnh đất Ðiện Biên là lễ hội hoa ban. Hoa ban không chỉ làm đẹp đất trời, tạo không khí hội xuân mà còn là loài hoa dâng lễ, gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên. Ðây cũng là cơ hội tuyệt vời để du khách tìm hiểu về hoa ban, cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top