Để ''giữ chân'' tài năng trẻ...

16:10 - Thứ Hai, 28/12/2020 Lượt xem: 4817 In bài viết

Khác với các loại hình nghệ thuật truyền thống, sân khấu kịch nói lâu nay vốn không hiếm tài năng. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc năm 2020 vừa khép lại tại Hà Nội đã minh chứng điều đó.

Chỉ chọn lựa những gương mặt dưới 30 tuổi, cuộc thi đã thu hút 63 diễn viên từ 15 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước tham gia 50 trích đoạn. Các nghệ sĩ đã cho thấy niềm đam mê, tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật biểu diễn. Họ “cháy” hết mình, có nhiều tìm tòi, sáng tạo. Ở đây đã xuất hiện những hình thức sân khấu lạ, những bất ngờ trong xử lý tình huống mà đặc biệt chúng đi cùng cái đẹp, khiến sân khấu thực sự sống động, khán giả rung động.

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, các tài năng trẻ trong cuộc thi đang nâng tầm trình độ chuyên nghiệp của nghề diễn, kế cận tốt thế hệ đi trước, thậm chí điều chỉnh hướng đi của sân khấu nước nhà, góp phần phân định sân khấu kịch nói theo hai khuynh hướng: Phía Bắc nghiêng về thưởng thức với lối diễn hướng nội, còn phía Nam nghiêng về giải trí với lối diễn hướng ngoại…

Song, để phát huy những tài năng này, giữ chân họ ở lại với sân khấu là thách thức lớn đối với các đơn vị nghệ thuật. Thực tế, nhiều diễn viên được phát hiện từ các cuộc thi tương tự, nhưng sau đó không còn làm nghề. Nguyên nhân là sân khấu chưa có chế độ đãi ngộ thích đáng với người trẻ, họ chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, thu nhập thấp, thiếu sân khấu biểu diễn thường xuyên… Song song với việc tham mưu, xây dựng chế độ đặc thù cho những tài năng trẻ, các đơn vị nghệ thuật cần tổ chức biểu diễn thường xuyên, đặt diễn viên trẻ ở vị trí trung tâm để tận dụng, khai thác và tạo sự phát triển bền vững cho sân khấu kịch nói.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top