Tản văn

Tản mạn tết

11:03 - Thứ Bảy, 23/01/2021 Lượt xem: 7462 In bài viết

ĐBP - Còn ba tuần nữa là đến tết Nguyên đán Tân Sửu, mọi hoạt động trở nên gấp gáp, nhộn nhịp hơn. Dường như ai cũng căng ra, lo nghĩ làm sao để hoàn thành nốt những công việc còn dang dở, về những khoản phải chi tiêu trong ngày tết. Thậm chí, đâu đó trong hành trình mưu sinh có người còn thở dài: “Ðang yên đang lành, tự dưng lại… tết!” Với không ít người, cái tết đang... miễn cưỡng đến gần.

Năm mới thường đến trong bồi hồi, ngóng trông, cái cảm giác đất trời chuyển giao giữa năm cũ và năm mới vốn thiêng liêng, ấm áp. Nhưng bây giờ không ít người có cảm giác “sợ tết”. Ðối nội, đối ngoại, đối tác, tri ân, rồi những chỗ “quan hệ”… Lo nhỡ có gì đó sơ suất, năm mới dông cho người ta thì áy náy lắm!

Tết này mua sắm gì, trang trí gì, ăn gì? Tết xưa cái ăn là cái lo vì túng thiếu, ngày nay cái ăn cũng là cả vấn đề, quanh năm ăn uống đủ đầy, những món cổ truyền thật sự với nhiều người thành món “cổ hủ”, áp lực đấu trí vì tốn nhiều thời gian, công chế biến. Giò, thịt gà, bánh chưng dùng quanh năm rồi, có mấy khi thiếu! Thành ra lại phải tốn công nghiên cứu, tìm món sao cho khác đi, đỡ ngán, nhưng cũng phải đỡ tăng cân. Rồi “chiến dịch” lau dọn, trang trí nhà cửa, hoa, cây cảnh… bao việc phải làm, phải lo.

Cả năm làm việc, lao động cật lực, những tưởng tết là nghỉ ngơi, nhưng lại là những ngày… lao động tiếp: Nấu nướng, chúc tụng, thăm nom sao cho vẹn toàn. Người quê xa phải lo phương tiện đi về ăn tết. Người làm quản lý, chủ doanh nghiệp lo cân đối tài chính, lương thưởng thế nào, lấy nguồn nào để thưởng cho anh em sau một năm nỗ lực làm việc.

Các cụ xưa có câu “Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”, trông chờ tết là để được ăn ngon, mặc đẹp. Tết Nguyên đán trùng với dịp nông nhàn, người ta có thời gian hàn huyên, thăm hỏi nhau nhiều hơn. Có lẽ bởi thế mới có “tháng Giêng là tháng ăn chơi”!

Tết xưa đề cao lễ tục, quan hệ gia đình, họ tộc, làng bản; ngày tết thường cả gia đình sum vầy đi chúc tết nhà nọ sang nhà kia. Tết nay, nhiều người chú tâm đến gia đình mình hơn. Sự thăm hỏi, chúc tụng được tối giản.

Mỗi thời đại một tư duy khác nhau. Tết thời đại mới cần một tinh thần mới. Song trong hoàn cảnh nào cũng không thể sao lãng nguồn cội, “ôn cố, tri tân” cũng là để hoàn thiện hơn trong cuộc sống, trong đối nhân xử thế, mới có sự sẻ chia, cảm thông với tấm lòng rộng mở.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top