Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

11:04 - Thứ Bảy, 17/04/2021 Lượt xem: 5165 In bài viết
Về miền đất Tổ dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

Khắp miền truyền mãi câu ca,

Nước non, vẫn nước non này ngàn năm”

Theo truyền thuyết, Hùng Vương là con của cha Lạc Long Quân (giống Rồng) và mẹ Âu Cơ (giống Tiên), đã có công dựng nên nhà nước Văn Lang cổ đại. Ðối với cộng đồng dân cư xung quanh khu vực Ðền Hùng (Phú Thọ), Hùng Vương còn là thần tổ gắn với nghề nông, dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Với niềm tin thành kính này, từ hàng nghìn năm qua, người Việt Nam đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ.

Từ bao đời nay, trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Vua Hùng là vị Tổ tiên chung của cả dân tộc, đã có công dựng nên quốc gia Văn Lang - nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, để tỏ lòng tôn kính và biết ơn công lao của Người, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ra đời và có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ con dân Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo mà chính là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn - tri ân công đức các Vua Hùng là những người có công dựng nước Văn Lang. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả các làng xã, song Ðền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Tính độc đáo của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày nay đã trở thành bản sắc văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Là “sợi chỉ đỏ tâm linh”, là “động lực tinh thần” gắn kết toàn dân tộc thành cây một cội, thành con một nhà, làm nên sức mạnh của truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn có những đóng góp quan trọng cho việc thực hành các chức năng xã hội của văn hóa, hình thành các giá trị về nhận thức, giáo dục, đào luyện nhân cách văn hóa, định hướng hành vi con người, chuyển hóa các giá trị đạo đức thành hành động cho các cá nhân, các nhóm cộng đồng xã hội. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đạt được tiêu chí quan trọng đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa và thực hành tốt nhất trong đời sống đương đại.

Ðặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại.

Khu Di tích lịch sử Ðền Hùng thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trung tâm của khu di tích là dãy núi Hùng - nơi thờ các Vua Hùng. Ðền Hùng được xếp hạng là khu di tích đặc biệt của quốc gia vào năm 1962. Ðến năm 1967, Chính phủ quyết định khoanh vùng xây dựng khu rừng cấm Ðền Hùng. Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NÐ-CP quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Ðền Hùng hàng năm. Ngày 10/3 âm lịch hàng năm trở thành ngày Quốc lễ. Tháng 12/2012, UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng.

T.K (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top