Đặc sắc lễ Pang Phoóng của dân tộc Kháng

08:29 - Thứ Năm, 03/06/2021 Lượt xem: 5787 In bài viết

ĐBP - Vừa qua, lễ Pang Phoóng (lễ Tạ ơn) của người Kháng, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là thành quả, minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của cộng đồng người Kháng nói riêng, cấp ủy, chính quyền xã Rạng Đông nói chung nhằm tôn vinh, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Nghi thức cúng trong lễ Pang Phoóng của người Kháng, xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo).

Có mặt tại xã Rạng Đông từ sớm, chúng tôi như được hòa mình vào không khí vui tươi, nhộn nhịp của điệu múa, câu ca, tiếng đàn réo rắt của đồng bào dân tộc Kháng. Ông Lò Văn Coóng, bản Nậm Mu nói: “Đồng bào dân tộc Kháng rất vui khi lễ Pang Phoóng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ Pang Phoóng không chỉ là hoạt động tâm linh, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, ông bà mà còn là nơi gắn kết cộng đồng người Kháng cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống”.

Từ xa xưa đồng bào dân tộc Kháng dòng họ Lò (ngành Lò Khul) bản Nậm Mu, xã Rạng Đông đã sáng tạo, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống từ lễ Pang Phoóng. Cụ Lò Văn Khâu, người am hiểu dân tộc Kháng, bản Nậm Mu chia sẻ: Truyền thuyết kể rằng: Lễ Pang Phoóng bắt nguồn từ sự tích về chuyện tình dang dở đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn. Kết quả của một tình yêu huyền bí là một cậu bé đẹp tựa thiên thần và nàng vượn bỗng hóa thân thành thiếu phụ về làm dâu nhà Tạo bản.

Theo phong tục truyền thống, lễ Pang Phoóng được tổ chức 2 - 3 năm một lần vào khoảng tháng 11 - 12 (dương lịch), khi đã xong mùa vụ. Ngày làm lễ Pang Phoóng thường vào ngày rằm, trăng sáng, nhân dân sẽ chơi hội được lâu hơn. Thầy cúng (Pắp lể) - người chủ trì hành lễ phải là người trong dòng họ Lò (ngành Lò Khul) và là người am hiểu về nguồn gốc, lịch sử dòng họ mình (thường là trưởng họ).

Lễ Pang Phoóng được tổ chức trong 2 ngày tại nhà trưởng họ hoặc một gia đình nào đó trong dòng họ Lò với 2 phần chính (lễ và hội). Cụ Lò Văn Khâu tiếp lời: “Để tổ chức lễ Pang Phoóng, trưởng dòng họ Lò Khul chủ động sắm lễ vật, tìm gặp thầy cúng, nhờ thầy chọn ngày tốt để làm lễ và họp anh em họ hàng để thông báo ngày giờ cụ thể. Đồng thời trưởng dòng họ cũng phân công công việc cho từng thành viên gia đình…

Đúng ngày làm lễ Pang Phoóng, lễ vật gồm có: Khoai lang (quai hók), khoai sọ (quai kho), bí đỏ (Pe ử), bí đao (pe pén), cơm nếp (mả dum), cốm (mả giủn)... Đặc biệt, lễ vật không thể thiếu đó là rượu cần (hay kha xả). Ngoài những lễ vật, trong gian thờ tổ tiên còn có thêm 3 cái bát (quen đưng), 1 con dao (mạc phạ), 1 con gà sống (diên), 1 con lợn... 1 chậu đựng nước (ảng om), 1 cái chiêng đồng (lé ma nạ)... đặt trên bàn thờ, đây là những nhạc cụ sẽ được thầy cúng sử dụng trong quá trình làm lễ. Lễ cúng chính bao gồm 2 nghi thức: Cúng lễ vật sống và cúng lễ vật chín.

Khi nghi thức cúng tổ tiên ở gian thờ đã xong, thầy cúng và trưởng họ chuẩn bị làm lễ cúng thần đất. Trong ngày làm lễ, người Kháng thường múa điệu Xé pang. Điệu múa thường tạo nên những âm thanh lớn, có thể ảnh hưởng đến thần đất. Vì vậy, phải cúng để trình báo và xin phép thần đất cho phép dòng họ và dân bản được múa. Trưởng họ gõ chiêng để đánh thức thần đất dậy, thầy cúng thắp hương khấn báo, dâng lễ vật cho thần đất và cầu xin phù hộ cho mọi người, gia chủ tổ chức múa điệu Xé pang suôn sẻ, vui vẻ. Kế đến, khi đã hoàn tất các nghi thức cúng tổ tiên, thần đất, chủ nhà dọn cơm mời mọi người cùng ăn...

Bà Lò Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo chia sẻ: Ở tỉnh ta người Kháng chủ yếu sinh sống tập trung ở các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ... Người Kháng Tuần Giáo có đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, đặc biệt họ còn giữ nhiều phong tục, tập quán, truyền thuyết, truyện kể dân gian.

Ngay sau khi lễ Pang Phoóng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, huyện Tuần Giáo sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền, khuyến khích người cao tuổi, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng người Kháng trao truyền cho các thế hệ trẻ. Sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, các lễ hội truyền thống… của dân tộc Kháng. Đồng thời, tổ chức trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan tới lễ Pang Phoóng; phối hợp với Bảo tàng tỉnh chiếu phim về di sản, giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm vào thời điểm cộng đồng tổ chức lễ hội. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc dân tộc Kháng nói riêng, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Tuần Giáo nói chung.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top