Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc ở Điện Biên Đông

12:39 - Chủ Nhật, 06/06/2021 Lượt xem: 5518 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn huyện Điện Biên Đông có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, bao gồm: Mông, Thái, Lào, Kinh, Khơ Mú và Xinh Mun. Với đặc điểm đa dạng về dân tộc, huyện có nhiều nét văn hóa phong phú, đặc sắc, lâu đời; nhiều phong tục tập quán được lưu truyền bao đời nay; một số di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng... Những đặc điểm trên là tạo điều kiện thuận lợi trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của nhân dân, việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời hàng năm tổ chức hoạt động vui xuân, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...

Bà con dân tộc Lào, xã Mường Luân khấn mời gia tiên trong lễ mừng cơm mới. Ảnh tư liệu

Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành đoàn thể tăng cường phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền các xã thường xuyên kiểm tra nắm tình hình việc bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống; kịp thời duy tu, sửa chữa, nâng cấp, tôn tạo các di tích có giá trị văn hóa, kiểm kê các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn; kiểm tra, rà soát loại bỏ văn hóa phẩm độc hại, các loại hình, hoạt động văn hóa không phù hợp với truyền thống, thuần phong mỹ tục của địa phương... Song song với đó, huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát triển văn hóa nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức, lý tưởng, lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân. Nhiều hình thức tuyên truyền cụ thể, thiết thực đã được huyện triển khai, như: Qua băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền bằng xe lưu động, qua các phương tiện thông tin đại chúng, buổi sinh hoạt tổ, bản và các chi hội ở địa phương... Đặc biệt, hàng năm huyện tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể. Đối với trang phục, huyện tổ chức hoạt động thi, trình diễn trang phục của các dân tộc trên địa bàn. Với loại hình nghệ thuật biểu diễn âm nhạc, nhạc cụ, huyện tiến hành phục dựng, thực hành phổ biến trong các dịp lễ hội, tết, như: Hát dân ca Thái, Mông, Khơ Mú, Lào; các điệu múa truyền thống của dân tộc Thái, Mông... Đáng chú ý, hàng năm các dân tộc trong huyện đều tổ chức các lễ hội truyền thống của mình, như: Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun (tháng 8 âm lịch), lễ hội Kin Pang Then của dân tộc Thái (tháng 9, 10 âm lịch), tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông (tháng 12 âm lịch), tết Khẩu Hó của dân tộc Lào (tháng 8 âm lịch)... Trong các lễ hội, nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc đã được tổ chức và thu hút đông đảo người dân tham gia, phổ biến là trò chơi tung còn, tó má lẹ, đánh tù lu, ném pao.

Nhằm bảo tồn các món ăn dân tộc truyền thống, huyện tổ chức cuộc thi gói bánh chưng, giã bánh giầy vào dịp tết, tham gia các cuộc thi ẩm thực do tỉnh tổ chức. Mặt khác, huyện còn tổ chức các lớp tiếng Thái, tiếng Mông nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; triển khai xây dựng hương ước, quy ước bản, tổ dân cư; chủ động rà soát các đối tượng đủ tiêu chuẩn đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”... Ngoài ra, huyện cũng quan tâm bảo tồn các văn hóa vật thể trên địa bàn, đến nay 3 di tích trên địa bàn huyện được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, 1 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã đạt những kết quả tích cực. Hàng năm, huyện có trên 80% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”; 90% tổ, bản đạt danh hiệu “bản, tổ dân cư văn hóa”; 100% tổ, bản xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, như: Để tang lâu ngày, tục thách cưới nhiều trâu, bò, cưới hỏi nhiều ngày... đã dần được xóa bỏ. Người dân được hưởng thụ văn hóa thông tin, tham gia các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí cũng như đời sống tinh thần. Đây là động lực để huyện Điện Biên Đông tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đức Linh
Bình luận
Back To Top