Đặc trưng làm báo văn nghệ

08:10 - Thứ Hai, 21/06/2021 Lượt xem: 3904 In bài viết

ĐBP - Báo chí có chung một mẫu số: Phục vụ con người, hay cụ thể hơn: Phục vụ nhiệm vụ chính trị, phản ánh cuộc sống của con người. Nhưng báo Văn nghệ có những đặc trưng riêng, vẫn là thông tin, vẫn phục vụ tôn chỉ mục đích nhưng vấn đề nghệ thuật luôn được coi trọng.

Trong thực tế, các báo đài vẫn có chuyên mục văn học nghệ thuật, nhưng tiêu chí đầu tiên để đăng tải là ngắn gọn, phổ thông, rành mạch dễ hiểu. Theo đó, tác phẩm phải có nội dung tư tưởng khuôn theo những vấn đề thời sự, nghệ thuật gói gọn trong đơn giản, phổ cập. Và đương nhiên không chấp nhận những “hậu hiện đại”, “phi tuyến tính”, “siêu thực”...

Những tác phẩm văn học giá trị thực sự lẽ thường ít khi lọt được vào những trang báo khuôn định kiểu ấy. Lí do hoặc là vấn đề quá sâu “không phù hợp”, hoặc lối viết “khó đọc”, hoặc số chữ quá nhiều... Thường những tác phẩm dễ đọc, dễ hiểu, không quá “đau đầu” đáp ứng yêu cầu tôn chỉ mục đích của tờ báo thì dễ đăng tải ở những tờ báo không chuyên về văn nghệ. Cũng là thơ, văn cũng cùng chủ đề nhưng cách thể hiện, cụ thể hơn là thủ pháp giữa trang báo văn nghệ chuyên với không chuyên cũng khác nhau. Cùng nguồn tư liệu, cùng phản ánh chung một thông tin cụ thể, báo chuyên về văn nghệ yêu cầu đòi hỏi “chất” văn nghệ cao hơn.

Mỗi tờ báo có những tiêu chí riêng, nhóm đối tượng bạn đọc của mình. Những tiêu chí đó giữ bản sắc tờ báo. Đối với những tờ báo không chuyên sâu về văn học nghệ thuật không phải không có những tác phẩm có giá trị về văn học nghệ thuật. Nhưng do tiêu chí văn nghệ chỉ có tính bổ trợ và văn nghệ phải phục vụ nhóm đối tượng của tờ báo nên không thể tự làm khó mình bởi những tác phẩm khó đọc.

Cùng trong làng báo nhưng báo, tạp chí văn nghệ có những đặc trưng riêng. Nét riêng ấy là gì? Nói kiểu chung nhất, khái quát định vị thì là chất văn chương nghệ thuật bao trùm len lỏi, li ti suốt từ “tít”, “sa-pô”, từng câu, từng từ, dấu chấm dấu phẩy... đến đích chủ đề bay cao bay xa, sâu lắng ám ảnh.

Cùng là tác phẩm báo chí, cùng chủ đề nhưng tác phẩm báo chí văn học đòi hỏi công phu hơn. Cùng đi đến một cái đích nhưng nhà văn làm báo văn phải đi bằng con đường riêng, lăng kính văn chương để khai thác. Cùng bài phản ánh một vấn đề cụ thể trong đời sống nếu chỉ thông tin bề mặt, đơn cử như xã A làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, thông qua các bước: triển khai các văn bản, tuyên truyền sâu rộng nâng cao ý thức, phối kết hợp với các đơn vị liên quan, một vài tấm gương cụ thể, một vài phỏng vấn... thì bài ấy khó đứng được trong báo chuyên sâu văn nghệ. Vẫn vấn đề đó, dưới lăng kính văn chương, là những số phận, những day dứt, tâm trạng của con người, vùng đất, hơi thở của màu sắc văn hóa, phong tục, những chi tiết ám ảnh. Văn chương không “đao to, búa lớn”, mà chi tiết nhỏ, đắt để nói cái lớn ấy mới là văn chương.

Cao hơn, sâu hơn là thể loại bút ký. Nếu như bút ký báo chí phản ánh khách quan trung thực bằng sự việc, chi tiết đã là ổn thì bút ký văn học đòi hỏi công phu hơn. Cùng một vấn đề, địa danh, nhân vật, nhưng để có một bút ký văn học phải “tầm” những chi tiết “li ti” nhưng “độc” để khai thác, phục vụ bài viết. Những chi tiết tưởng chừng đơn giản chả có gì ghê gớm nhưng với văn học nó lại là nguyên liệu “gia truyền” thổi hồn cho tác phẩm. Đối với nhà báo không chuyên làm văn nghệ, thì những báo cáo, những con số cụ thể xoay quanh chủ đề bài viết được coi là nguyên liệu chính. Nhưng đối với nhà báo văn nghệ, cái đó không phải là chính mà chỉ là điểm tựa để khai thác những cái rất cụ thể, rất người. Nhà báo văn nghệ lặng lẽ quan sát, hòa cảm xúc của mình với nhân vật, số phận. Họ phỏng vấn, nhưng không phỏng vấn. Qua tâm tình, chia sẻ với nhân vật họ đã làm một cuộc phỏng vấn tự nhiên. Mạch thu thập tư liệu của báo chí văn nghệ dường như chậm hơn trầm lắng hơn. Cách khai thác cũng giàu tâm trạng. Bài ký hay là nhiều chi tiết, lắm tầng vỉa, đa kiến thức; hiện tại, xa xưa, dọc ngang trực tiếp gián tiếp để sư đoàn câu chữ trùng trùng chiếm lĩnh dẫn dắt bạn đọc.

Sự giao thoa giữa báo chí và văn học dễ nhận thấy là thể loại kí, phóng sự. Là thể loại lắm công phu, nhiều công sức nên luôn là chủ công của báo chí trong đó có báo văn nghệ. Tác phẩm báo chí thể loại kí, phóng sự là loại hình báo chí đòi hỏi người viết không chỉ có kiến thức rộng, có vốn sống thực tế, khả năng tổng hợp, phân tích, đánh giá... ngoài ra đối với kí, phóng sự văn học còn phải có chút năng khiếu văn chương để thổi hồn cho tác phẩm.

Với những thể loại như thơ, truyện ngắn thì ở báo tạp chí văn nghệ chuyên sâu luôn đặt tiêu chí nghệ thuật là quan trọng, đó là “hồn cốt” của tờ báo. Vẫn phục vụ nhiệm vụ chính trị, vẫn phản ánh cuộc sống đương đại nhưng hình thức thể hiện đòi hỏi sự sáng tạo, cách tân, mới mẻ...

Có thể nói rằng với một tờ báo chuyên sâu và về văn nghệ cần phải đảm bảo yêu cầu phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị cũng như vai trò giải trí nhưng được thực hiện với nguyên tắc luôn coi trọng nghệ thuật. 

Trần Thành (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh)
Bình luận
Back To Top