Xây dựng Huế trở thành "kinh đô áo dài"

15:19 - Thứ Sáu, 24/09/2021 Lượt xem: 6827 In bài viết

Trải qua quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên-Huế, chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Hình ảnh áo dài đã được tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn, nhỏ và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, riêng có của miền núi Ngự, sông Hương…

Trình diễn áo dài tại Festival Huế.

Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn, nên nơi đây hội tụ các giá trị văn hóa tinh túy, đặc sắc của cả nước từ mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc, ẩm thực đến trang phục, trong đó có áo dài truyền thống, lưu lại những giá trị văn hóa di sản tiêu biểu, đặc sắc của vùng đất kinh kỳ và của dân tộc Việt Nam.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên-Huế, chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Hình ảnh áo dài đã được tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn, nhỏ và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, riêng có của miền núi Ngự, sông Hương…

Tháng 8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Huế- Kinh đô áo dài”. Theo đó, đề án đã đưa ra những nhiệm vụ chính để xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài, như nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế; xây dựng các chương trình, hoạt động và tổ chức quảng bá, truyền thông hình về áo dài Huế; tổ chức Ngày hội áo dài Huế định kỳ hằng năm, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô áo dài”; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ may đo thiết kế áo dài; đầu tư cơ sở vật chất, hình thành các điểm trưng bày, trình diễn áo dài, trung tâm, cơ sở đo may áo dài phục vụ nhu cầu của khách du lịch…

Cùng với đó, “Ngày hội áo dài” trở thành chuỗi sự kiện văn hóa cộng đồng, trở thành điểm nhấn quan trọng, đặc biệt là các kỳ Festival Huế tỉnh cũng khuyến khích, từng bước đưa áo dài Huế trở thành trang phục truyền thống trong các không gian văn hóa, hoạt động lễ nghi, lễ hội truyền thống, tạo nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô.

Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ mà đề án đặt ra là xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ về lịch sử ra đời, giá trị văn hóa, đời sống; Sở VH&TT đã chọn làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho áo dài ngũ thân ở 2 tiêu chí: Công nghệ truyền thống và tập quán sử dụng.

Dự kiến sẽ đề cử vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia trong thời gian tới. Theo ông Phan Thanh Hải, Giám độc Sở VH&TT, việc xây dựng “Huế - Kinh đô áo dài” thực ra là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, để nó tỏa sáng như vốn đã từng; từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu áo dài Huế, đưa áo dài trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc và để Cố đô Huế thực sự trở thành kinh đô của áo dài Việt Nam.

Tại Hội thảo khoa học “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức, nhiều nhà nghiên cứu đã đồng tình, dựa trên cứ liệu lịch sử, truyền thống để nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản áo dài của Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, trang phục áo dài Việt Nam sản sinh từ kinh thành Phú Xuân - Huế đã dần dần thay thế các trang phục cổ truyền của xứ Đàng Ngoài, từng bước được điều chỉnh để trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà Việt Nam.

Trải qua nhiều năm thăng trầm cùng thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu. Vì thế, cần khẳng định áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo trong di sản văn hóa Huế để quyết tâm xây dựng thương hiệu áo dài Huế như một tài sản trí tuệ độc sáng của vùng đất Cố đô.

Thừa Thiên-Huế cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế; đồng thời, đa dạng hóa quảng bá về áo dài để xây dựng hình ảnh Huế là chiếc nôi của áo dài Việt Nam, là kinh đô áo dài của Việt Nam…

P.V (theo CAND)
Bình luận
Back To Top