Nghệ sĩ tự do ngày càng khẳng định được vị thế

09:20 - Thứ Sáu, 21/01/2022 Lượt xem: 6629 In bài viết

Năm 1980, UNESCO thông qua bản Kiến nghị về vị thế của nghệ sĩ. Bản kiến nghị được xây dựng dựa trên cơ sở thừa nhận vai trò ngày càng quan trọng của nghệ sĩ đối với sự phát triển của các quốc gia cũng như ghi nhận thách thức mà họ đang phải đối mặt. Điều đó chứng minh rằng, vị thế của các nghệ sĩ tự do đang dần được ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo.

Tại Anh, vị thế của các nghệ sĩ tự do đang dần được nhìn nhận đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo.

Nghệ sĩ tự do - xu hướng phổ biến

Trên thế giới, nhất là tại các quốc gia phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật được gắn kết chặt chẽ với lĩnh vực kinh tế thông qua khái niệm công nghiệp văn hóa hay công nghiệp sáng tạo. Các ngành sáng tạo cũng thu hút một lực lượng lao động đông đảo và không ngừng tăng trưởng về số lượng.

Ở Mỹ, vào năm 2006, nghệ sĩ chiếm 1,42% lực lượng lao động cả nước. Trong hai năm 2007 - 2008, tỷ lệ này tăng lên 1,46%. Tính đến năm 2017, tổng số lao động trong ngành công nghiệp sáng tạo ở Mỹ là 5 triệu người.

Trong các ngành công nghiệp sáng tạo, số lượng nghệ sĩ làm việc tự do luôn chiếm một tỷ lệ lớn. Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu Mỹ, trong giai đoạn 2012 - 2016, trong khi người lao động tự do chiếm 9,4% lực lượng lao động cả nước thì tỷ lệ này trong giới nghệ sĩ là 34,1%. Trong từng lĩnh vực cụ thể, kể cả sân khấu, tỷ lệ nghệ sĩ tự do luôn đạt hoặc vượt ngưỡng 20% (Quỹ Quốc gia tài trợ nghệ thuật 2019).

Ở Anh, tính đến năm 2017, tổng số lao động tự do là 5 triệu người - chiếm 15% lực lượng lao động. Trong khi đó, trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, tỷ lệ lao đông tự do lên tới 47% (Eliza Easton & Evy Cauldwell-French, 2017).

Lợi thế và thách thức

Cách thức làm việc của phần lớn nghệ sĩ ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ được đánh giá là mang tính chất “phi điển hình” (atypical). Họ chủ yếu làm việc trên cơ sở các dự án (vở diễn, phim, chương trình hòa nhạc...) và do đó, họ có những khoảng thời gian làm việc tập trung (thường là những hợp đồng ngắn hạn theo ngày hoặc tháng) được xen kẽ với những thời gian “tạm nghỉ”.

Đặc trưng của việc làm phi điển hình là tính linh hoạt, tự chủ và khả năng di động cao. Đây là những đặc trưng phù hợp với bản chất của hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực biểu diễn. Để đảm bảo được tính chất linh hoạt và tự chủ này, các nghệ sĩ phải có kỹ năng và chuyên môn vững vàng. Thêm vào đó, ngoài kiến thức chuyên môn, các nghệ sĩ làm việc tự do còn có kỹ năng quản lý tốt và liên tục được đào tạo, trau dồi.

Tuy vậy, từ các nghiên cứu chuyên sâu về hình thức làm việc tự do/làm việc cho chính mình của các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những thách thức và hạn chế gắn với tính chất “phi điển hình” của phương thức làm việc này. Trước hết, do làm việc theo các hợp đồng ngắn hạn, thông thường vài ngày cho đến vài tháng, nên việc lập kế hoạch dài hạn của các nghệ sĩ tự do trở nên khó khăn. Quãng thời gian “tạm nghỉ” giữa các dự án hay các hợp đồng nhiều khi đồng nghĩa với tình trạng thất nghiệp.

Sự bấp bênh về việc làm bao gồm “các khía cạnh của tình trạng không ổn định, thiếu sự bảo vệ, bất ổn và sự yếu kém về mặt kinh tế và xã hội. Tuy vậy, không phải từng khía cạnh này mà là sự tổng hòa của chúng sẽ gây ảnh hưởng đến tình trạng bấp bênh” (Alexandra Scheele 2002).

Động lực cho tương lai

Với những đặc điểm kể trên, xu hướng làm việc tự do không chỉ mang lại lợi ích mà còn có cả những thách thức cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và giới thực hành nghệ thuật. Tuy vậy, bất chấp những thử thách này, sự gia tăng số nghệ sĩ tự do vẫn là một xu hướng chủ đạo trong các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở hầu hết các quốc gia. Chính vì vậy, nghiên cứu các động lực thúc đẩy xu hướng chuyển dịch này là chủ đề được nhiều học giả và nhà quản lý quan tâm.

Ngoài các lý do cá nhân, trên thực tế, sự chuyển dịch của xu hướng làm việc tự do gắn với những thay đổi mang tính chất vĩ mô của toàn xã hội, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ. Năm 2014, 34 năm sau khi ban hành bản Kiến nghị về vị thế của các nghệ sĩ, UNESCO tiếp tục kêu gọi các nước thành viên cập nhật tình hình hoạt động của các nghệ sĩ và hệ thống chính sách văn hóa nhằm hướng tới sự hỗ trợ tốt hơn cho họ.

Đặc biệt, trong tài liệu mang tên Sức sống mới của bản kiến nghị năm 1980 của UNESCO về vị thế của các nghệ sĩ, UNESCO đã nhấn mạnh sự tác động của công nghệ số như một nhân tố làm “thay đổi căn bản mối quan hệ việc làm trong khu vực sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa” (UNESCO 2014). Thay vì phải tập trung làm việc tại các công sở hay các địa điểm cố định, các nghệ sĩ có thể làm việc tại bất cứ đâu và khi nào mà họ muốn. Chính điều này khiến cho các nghệ sĩ, đặc biệt là những người thường xuyên di chuyển, có thể tiếp nhận và đảm bảo công việc của mình một cách hoàn hảo, từ đó thúc đẩy nhiều người khác lựa chọn cách thức làm việc tương tự.

Từ việc xem xét sự kết nối của mô hình của các công ty hoạt động theo mô hình kinh tế tạm thời hiện nay với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa, nghệ thuật cho rằng, đây sẽ là một xu hướng mới được yêu thích bởi những nghệ sĩ tự do. Việc tạo dựng những nền tảng trực tuyến để kết nối trực tiếp giữa người sử dụng lao động và người lao động đã và đang được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa.

P.V (theo HNM)
Bình luận
Back To Top