Ngày 27/11, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trung tâm Thông tin du lịch sẽ thực hiện chương trình trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào ngày 1/12, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), cũng là nhiệm vụ nằm trong khuôn khổ Dự án 6 - Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023. Theo Ban tổ chức, trong khuôn khổ trưng bày sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như không gian trưng bày di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và nghệ thuật Xòe Thái; gian hàng xúc tiến quảng bá du lịch vùng dân tộc thiểu số; cung cấp thông tin du lịch, giới thiệu sản phẩm du lịch, giao lưu trải nghiệm ẩm thực đặc sắc của địa phương… Đặc biệt, nhân Ngày Di sản văn hóa 23/11, Trung tâm Thông tin du lịch ra mắt video clip quảng bá cho trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, video clip có độ dài 30 giây gồm nhiều hình ảnh đẹp mắt, mang đến cho du khách góc nhìn về Tây Bắc tươi đẹp với những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, núi rừng trùng điệp bao bọc, nuôi dưỡng những bản làng của đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Thái - chủ nhân của nghệ thuật xòe độc đáo. Xòe nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho hoạt động của con người khi thực hiện nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, đời sống, lao động. Xòe được đồng bào Thái trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội, sự kiện văn hóa cộng đồng. Đúng 17 giờ 11 phút ngày 15/12/2021, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ghi danh Nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. - tinh hoa văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái.
Trong video clip quảng bá cũng phô diễn những nét đẹp của mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn chan hòa nắng gió. Trong đó, không gian văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Rơ Mâm, Mạ… Cồng chiêng luôn có mặt trong đời sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên, từ các sinh hoạt nghi lễ lớn lễ đâm trâu, khóc người chết trong tang lễ, mừng nhà rông mới, lễ xuống giống, lễ cầu an cho lúa, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho... đến các sinh hoạt cộng đồng như lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, mừng nhà mới, lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước... Với những giá trị nổi bật, ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Theo Du lịch Quốc gia Việt Nam: Di sản văn hóa tạo sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch, tạo trải nghiệm đáng giá cho du khách, nhất là khách quốc tế. Đây cũng là tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch, thu hút nguồn lực đầu tư vào du lịch di sản ở các địa phương. Điều này giúp nhiều địa phương tăng trưởng kinh tế - xã hội, đóng góp vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.