Xã hộiVì trẻ em

Khó tìm đồ chơi an toàn cho trẻ em

00:00 - Thứ Hai, 04/05/2015 Lượt xem: 1700 In bài viết
ĐBP - Thời gian gần đây, nhiều thông tin về chất lượng của đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc như: thú nhún, bóng nhựa, búp bê… bị nhiễm độc hay sản xuất từ nhựa tái chế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ em, khiến người tiêu dùng lo ngại. Vì thế xuất xứ, chất lượng của các đồ chơi ngày càng được các bậc cha mẹ quan tâm. 

Chị Hà Thị Tươi, tổ 22, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ, chia sẻ: Tôi có con gái 11 tháng tuổi. Tôi cũng đã mua một số đồ chơi đơn giản cho con, tuy nhiên tôi rất băn khoăn vì chất lượng, xuất xứ đồ chơi không rõ ràng trong khi trẻ con sức đề kháng kém, muốn mua đồ chơi Việt nhưng tìm đến các cửa hàng thì hầu hết là hàng Trung Quốc, ngay cả ở những siêu thị lớn thì đồ chơi Việt cũng chỉ lác đác vài loại.

Khảo sát trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ cho thấy, đồ chơi trẻ em có mặt hầu hết trong các siêu thị lớn như Hoa Ba, Điện Biên, Siêu thị Sách – Thiết bị trường học, các cửa hàng tạp hóa, chợ, thậm chí bán rong trên vỉa hè… Các loại đồ chơi được bày bán tràn lan chủ yếu là mô hình ô tô, xe máy, máy xúc, ủi, con giống, xúc xắc… được làm bằng nhựa, giá chỉ từ 10.000 – 100.000 đồng.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra mặt hàng đồ chơi trẻ em tại 1 cơ sở kinh doanh tạp hóa trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Ảnh: Hương Thảo

Theo Thông tư 18 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”, kể từ ngày 15/4/2010, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy (CR) theo quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, tại các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, đồ chơi trẻ em thường được bán lẫn các mặt hàng khác và không có tem mác đúng quy định. Đồ chơi trẻ em nhập khẩu phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc luôn chiếm lĩnh thị trường bởi lợi thế về chủng loại, màu sắc, giá cả phù hợp với người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Nhưng chất lượng và độ an toàn của các loại đồ chơi này bị bỏ ngỏ. Bà Nguyễn Thị Liễu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh), cho biết: Thực tế, qua kiểm tra thì hầu hết các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em đều là hàng nhập khẩu, chủ yếu vẫn là hàng Trung Quốc. Cần phải khẳng định đồ chơi Trung Quốc cũng có những hàng đảm bảo về độ an toàn và chất lượng. Chức năng của Đội là kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, ghi nhãn theo quy định nhãn gốc, nhãn phụ theo Nghị định 89 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, thu giữ và tiêu hủy hàng cấm, đồ chơi bạo lực. Còn việc kiểm soát chất lượng, sự an toàn của đồ chơi trẻ em vẫn là “lực bất tòng tâm” do lực lượng quản lý thị trường không đủ thẩm quyền và năng lực thẩm định. Đây là thực trạng chung không chỉ của riêng Điện Biên mà của cả những thị trường lớn trong cả nước.

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước đã lựa chọn những chất liệu an toàn để sản xuất đồ chơi cho trẻ như đồ chơi bằng gỗ, đồ chơi trí tuệ, nhựa an toàn… Một số thương hiệu Việt như: Sinh Thành An, Đồ chơi Đại Việt, Gỗ Đức Thành…  còn in kết quả kiểm nghiệm đạt chuẩn lên từng sản phẩm. Tuy vậy, đồ chơi Việt còn đơn điệu về mẫu mã nên không hấp dẫn được trẻ. Thêm vào đó, giá khá đắt nên khó cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc. Anh Vương Đình Khánh, chủ cửa hàng Siêu thị đồ chơi Itoy, tổ 21, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Đồ chơi trong cửa hàng có cả hàng nội và hàng nhập khẩu, song chủ yếu là hàng ngoại nhập có xuất xứ từ Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan. Giá trung bình từ vài nghìn đến gần 4 triệu đồng, tùy từng loại. Theo anh Khánh, phụ huynh có thể lựa chọn một số hãng đồ chơi nổi tiếng của Trung Quốc như: MZ, AULDEY, MAISTO, RASTAR… Đồ chơi ngoại nhập trông bắt mắt, mang tính giải trí cao như ô tô điều khiển từ xa, rô bốt, siêu nhân, chó biết nói… nên được nhiều trẻ em yêu thích. Trong khi các loại đồ chơi của Việt Nam như: lắp ghép mô hình, bộ luồn hạt, đồ chơi hoa quả, bộ nấu ăn bằng nhựa… hầu hết do phụ huynh lựa chọn.

Như vậy, để trẻ em được vui chơi với các sản phẩm an toàn cho sức khỏe thì cần sự vào cuộc, quan tâm của các ngành chức năng trong việc kiểm soát, thẩm định chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm lưu thông trên thị trường. Nhận định vấn đề này, bà Nguyễn Thị Liễu cũng đưa ra khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho trẻ cả về mặt sức khỏe và giáo dục, phụ huynh nên mua đồ chơi ở các cửa hàng uy tín, có địa chỉ rõ ràng, đề nghị viết hóa đơn để làm căn cứ xác minh trong trường hợp đồ chơi có dấu hiệu không an toàn, có thể gây ngộ độc cho trẻ… Đồng thời, đọc kỹ nhãn mác, tên sản phẩm, nhà sản xuất và hướng dẫn sử dụng trước khi mua.

Hương Thảo
Bình luận
Back To Top