Xã hộiVì trẻ em

Mong các em có cuộc sống tốt đẹp hơn

00:00 - Thứ Ba, 31/05/2016 Lượt xem: 1962 In bài viết
ĐBP - Đến đội 12 C, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, chúng tôi được biết hoàn cảnh đáng thương của em Lò Thị Thúy, 5 tuổi, bị bại não từ khi lọt lòng mẹ. Trong căn nhà tranh vách đất nhỏ bé, chị Lò Thị May bế bé Thúy trên tay, chia sẻ với chúng tôi: “Tôi chỉ sinh được 1 đứa con, vậy mà từ lúc ra đời cháu đã không nói, không cười, không đi lại được mà ngày ngày chỉ nằm một chỗ, cho ăn thì ăn thôi!”.

Gia đình chị May lại thuộc hộ nghèo trong xã, anh chị cực khổ làm ruộng nương và đi làm thuê khắp nơi nhưng cuộc sống nhiều năm vẫn chưa khấm khá. Được biết, 3 năm trở lại đây, Thúy được nhận bảo trợ 450 nghìn đồng/tháng từ Sở Lao động – Thương binh & Xã hội. Song cuộc sống của Thúy vẫn chỉ là những tháng ngày buồn bã, ảm đạm trôi qua khiến chúng tôi cảm thấy nghẹn lòng. Chị May chỉ mong con mình có thể lớn lên, đi học và trưởng thành như bao trẻ em khác, nhưng điều đó có lẽ là xa vời đối với Thúy.

Em Lò Thị Thúy, đội 12C, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên bị bại não từ khi lọt lòng mẹ.

Trường hợp em Quàng Văn Tùng, sinh năm 2004, sống tại bản Cang 1, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên cũng thật xót xa. Tuy không mang thương tật trên người nhưng Tùng lại là trẻ mồ côi cha, còn mẹ đi khỏi địa phương, không thông tin gì hơn 10 năm. Tùng có 1 em gái 11 tuổi là Quàng Thị Linh bị thiểu năng trí tuệ và không nghe, không nói được. Hai anh em Tùng ở với bà ngoại, côi cút trong ngôi nhà tạm thuộc hộ đói trong bản.

Chúng tôi đến thăm 3 bà cháu vào lúc bữa cơm trưa bắt đầu. Trong ngôi nhà trống trải, tối tăm, trên mâm cơm của 3 bà cháu chỉ có rau luộc và muối trắng. Bà Lò Thị Ương, bà ngoại Tùng nghẹn ngào chia sẻ: “Đây là bữa ăn thường ngày của 3 bà cháu tôi, hiếm lắm mới có bữa được ăn trứng hoặc thịt. Tôi già yếu nên không làm lụng được nhiều để chăm sóc các cháu. Gia đình chẳng có ai thân thích tại đây nên mấy bà cháu rau cháo nuôi nhau thôi!”.

Thương bà ngoại vất vả nhiều năm cưu mang 2 anh em, nên ngoài giờ học, Tùng chịu khó hái rau, kiếm củi ra chợ bán lấy tiền mua gạo và chăm chỉ giúp bà việc nhà. Vậy mà, trong 6 năm học, năm nào Tùng cũng đạt học sinh giỏi toàn diện.

Chỉ lên những tấm giấy khen của Tùng dán trên tường đất, bà Ương nói: “Cháu Tùng năm nay học lớp 6A4, Trường THCS Pom Lót, từ khi đi học đến nay năm nào cháu cũng được giấy khen học sinh giỏi. Mặc dù sách vở, đồ dùng học tập thiếu thốn, quần áo cũng không đủ ấm, đủ lành và giúp bà nhiều việc nhà, nhưng Tùng vẫn dành thời gian để học bài. Cháu chăm học và học giỏi khiến tôi vui lắm! Nhưng tôi cũng lo lắng sau này không đủ điều kiện để cháu được theo học cao hơn”.

Thấy bà buồn bã, Tùng cũng đỡ lời: “Bà yên tâm, sau này con sẽ đi làm thuê kiếm tiền để đi học”. Nhìn Tùng gầy gò, cao mảnh khảnh nhưng khuôn mặt lại rất thông minh, lanh lợi, khiến chúng tôi càng thấy xót xa, thương cho hoàn cảnh của em. Hiện nay, 2 anh em Tùng đều thuộc diện trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trong xã Sam Mứn, nhưng chỉ có em gái Tùng nhận được chính sách bảo trợ xã hội.

Hoàn cảnh của các em: Thúy, Tùng, Linh chỉ nằm trong số hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại huyện Điện Biên. Ông Trần Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động – Thương binh & Xã hội huyện Điện Biên cho biết: “Huyện Điện Biên hiện có trên 300 trẻ em đang được nhận bảo trợ xã hội. Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe, bảo trợ cho trẻ em được chính quyền huyện Điện Biên đặc biệt quan tâm. Trong các dịp lễ, tết Thiếu nhi, Trung thu, các trẻ nằm trong đối tượng bảo trợ đều được nhận quà, trợ cấp hoặc được quan tâm, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục từ các chương trình y tế, giáo dục trên địa bàn huyện, nhằm chia sẻ phần nào nỗi đau, sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu. Tuy vậy, hoàn cảnh, cuộc sống hiện tại của các em vẫn còn rất nhiều khó khăn và rất cần sự chung tay chia sẻ, giúp đỡ từ phía cộng đồng xã hội, để các em có cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn”.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top