Xã hộiVì trẻ em

Mường Nhé chủ động phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em dịp hè

10:59 - Thứ Sáu, 17/06/2016 Lượt xem: 2301 In bài viết
ĐBP - Mùa hè đến cũng là thời điểm số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng. Để phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do đuối nước gây ra, huyện Mường Nhé đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo các gia đình đề cao ý thức trong việc quản lý trẻ, đồng thời chủ động trang bị cho trẻ các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân.

Theo báo cáo của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016, Mường Nhé có 12 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó 4 vụ tai nạn do đuối nước. Xác định công tác nâng cao nhận thức cho trẻ em và các gia đình về phòng, tránh tai nạn do đuối nước là nhiệm vụ quan trọng, UBND huyện Mường Nhé đã ban hành công văn chỉ đạo các xã, các đơn vị trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động phòng, chống đuối nước cho trẻ em, phổ biến kiến thức về phòng tránh đuối nước ngay tại các trường học, xã, bản...

Đối với các xã có nhiều sông, suối chảy qua, việc chủ động phòng, chống đuối nước cho trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là vào kỳ nghỉ hè và mùa mưa lũ. Để giảm thiểu những thiệt hại thấp nhất do đuối nước, cấp ủy, chính quyền địa phương các xã đã đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành triển khai thực hiện. Ông Lỳ Xè Chừ, Phó Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn, cho biết: “Để chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước cho trẻ em, ngay từ khi nhận được công văn của huyện, xã đã thành lập ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chỉ đạo các đơn vị trường học, các bản, các tổ chức đoàn thanh niên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cách phòng, chống đuối nước, thống kê danh sách trẻ em sinh sống ven sông, suối để kịp thời theo dõi quản lý”.

“Tuy nhiên, việc bảo vệ, phòng, tránh đuối nước trẻ em vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt ở khu vực nông thôn, bởi việc quản lý trẻ em bơi lội, tắm sông, suối còn hạn chế. Nguyên nhân là do trẻ em thiếu sân chơi lành mạnh, an toàn, vì điều kiện mưu sinh, nhiều gia đình thường để trẻ ở nhà tự trông nhau mà không có sự quan tâm, giám sát của người lớn; nhiều vùng sâu, vùng xa còn hạn chế trong việc tuyên truyền phòng tránh tai nạn cho trẻ em...” - ông Lò Văn Lả, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, cho biết.

Để việc phòng, tránh đuối nước cho trẻ đạt hiệu quả thì trước hết mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ cần tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý, giám sát con em, chủ động dạy bơi cho trẻ. Chính quyền địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các trường học tăng cường tuyên truyền, trang bị cho các em kiến thức về cách thức phòng, chống đuối nước; bàn giao quản lý học sinh khi kết thúc năm học; kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo những địa điểm, khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước cho người dân… Bên cạnh đó, các cấp, ngành, cộng đồng xã hội, đặc biệt là tổ chức đoàn thanh niên cần tạo những sân chơi bổ ích cho trẻ em.

Hoàng Hảo (Đài TT - TH Mường Nhé)
Bình luận
Back To Top