Xã hộiVì trẻ em

Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong dịp hè

09:02 - Thứ Tư, 22/06/2016 Lượt xem: 3474 In bài viết
ĐBP - Bác sỹ Nguyễn Đức Thế, Phó Trưởng khoa Chấn thương, Chỉnh hình, Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: Những ngày đầu hè, Khoa tiếp nhận nhiều ca tai nạn thương tích trẻ em hơn thời gian trước, chủ yếu là tai nạn do đuối nước, bỏng, điện giật, tai nạn giao thông, ngã gãy tay, gãy chân, ngộ độc, súc vật cắn… 

Nghỉ hè, em Vũ Ngọc Tùng Anh (6 tuổi) trú tại bản Huổi Phạ, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ được gia đình cho đi học bơi rèn luyện sức khỏe, phòng, tránh tai nạn đuối nước, thế nhưng do bể bơi quá đông, người lớn lơi lỏng giám sát, em đã bị đuối nước và nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

 
Cùng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, em Giàng Minh Hải (2 tuổi) trú tại xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, nhập viện trong tình trạng bị bỏng 30% cơ thể độ 2, độ 3. Nguyên nhân do cha, mẹ đi làm nương, các anh, chị ở nhà trông không để ý nên em bị ngã vào chậu nước sôi.

 

Trung tâm Unesco Tư vấn và Truyền thông quốc tế (UCCIC) tập huấn kỹ năng cấp cứu đuối nước cho trẻ em TP. Điện Biên Phủ.

Tai nạn thương tích thường gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ bởi đây là giai đoạn phát triển thể lực và tâm, sinh lý. Cũng theo bác sỹ Nguyễn Đức Thế: Nguyên nhân tai nạn thương tích ở trẻ em chủ yếu do kiến thức về an toàn trong cuộc sống của người dân còn hạn chế; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thiếu sự quan tâm, giám sát chặt chẽ; môi trường sống của trẻ em một số nơi chưa an toàn, thiếu sân chơi tập trung cho trẻ... Trong khi đó trẻ em hiếu động, thích khám phá, leo trèo, chơi trên vỉa hè, lòng lề đường, tắm sông, suối, ao, hồ nhưng không nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng.

Để phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em cho các bậc phụ huynh, các cơ sở trung tâm đào tạo, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, tập trung xây dựng các mô hình như “Ngôi nhà an toàn”, “Gia đình an toàn”, “Cộng đồng an toàn cho trẻ”. Đồng thời tạo sân chơi lành mạnh cho các em nhỏ thông qua các hoạt động sinh hoạt hè, các lớp đào tạo năng khiếu, chú trọng rèn luyện, huấn luyện các kỹ năng về bơi, phòng, tránh tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại...

Điện Biên là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội, thiếu sân chơi tập trung nên dễ xảy ra tai nạn thương tích đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, quan trọng nhất là các bậc cha mẹ và người được giao trông coi trẻ phải chủ động tiếp cận các chương trình an toàn cho trẻ tại gia đình và cộng đồng, nhất là các kỹ năng xử lý tai nạn thương tích trẻ em, sơ cứu kịp thời khi xảy ra tai nạn thương tích, dạy cho trẻ cách nhận biết và phòng, tránh tai nạn thương tích… đồng thời dành thời gian quan tâm quản lí, chăm sóc con trẻ trong những ngày hè để đảm bảo an toàn cho trẻ, tất cả vì mục tiêu “An toàn cho con, hạnh phúc cho cha mẹ”.

Bài, ảnh: Trường Long (Công an tỉnh)
Bình luận
Back To Top