Xã hộiVì trẻ em

Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em ở Điện Biên Đông

Quan trọng là ý thức phụ huynh

10:38 - Thứ Hai, 25/07/2016 Lượt xem: 3173 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Tuy nhiên, ý thức của phụ huynh về vấn đề này chưa cao. Đối với huyện Điện Biên Đông, mặc dù số trẻ bị tai nạn thương tích không nhiều song nguyên nhân chủ yếu vẫn do sự chủ quan, chăm sóc chưa đúng cách của người lớn.

Trung tuần tháng 6, trong chuyến công tác tại huyện Điện Biên Đông, dọc các tuyến đường liên xã, không khó để bắt gặp những đứa trẻ vô tư nô đùa khi không có người lớn ở bên. Và hình ảnh những em bé chừng 6 – 10 tuổi trèo cây, đá bóng, nghịch nước dưới sông, suối… không hề hiếm. Nán lại ven đường, hỏi chuyện các cháu mới biết bố mẹ đi làm nương, những đứa trẻ cùng xóm ở nhà tự chơi với nhau, hết buổi thì về ăn cơm…

 

Trẻ em xã Luân Giói nô đùa nơi khu vực nhiều ao, suối tiềm ẩn tai nạn thương tích.

Tại xã Luân Giói, đã hơn 1 tháng trôi qua, chị Lường Thị Thoa vẫn dằn vặt bản thân khi nhớ lại vụ tai nạn xe máy. Chị Thoa kể lại: Hôm đó là buổi tối một ngày cuối tuần, tôi cùng 2 con trai (cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ 4 tuổi) sang nhà bác ruột chơi. Do quãng đường từ nhà đến nhà bác gần nên tôi chủ quan không đội mũ bảo hiểm, tuy nhiên vẫn chạy đúng tốc độ. Đến khúc cua do không bấm còi, cùng lúc một xe máy chạy ngược chiều đến và đâm nhau. Cú va chạm khiến tôi bị chấn thương phần mềm, 1 cháu bị gãy tay còn 1 cháu bị chầy xước chân, tay. Nếu như hôm đó không chủ quan thì 3 mẹ con tôi đã không bị tai nạn.

Hay như trường hợp của cháu Lò Văn Nam (8 tuổi), bản Pá Nặm A, xã Chiềng Sơ. Bố mẹ đi vắng, ở nhà chỉ có ông bà đã cao tuổi, Nam tự sang nhà bạn chơi, khi chơi trò trốn tìm, vì leo lên cây để trốn bạn nên Nam bị ngã gãy chân.  

Còn rất nhiều trường hợp do sự chủ quan của bố mẹ và người trông trẻ khiến các em phải nhập viện vì chấn thương. Anh Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông, cho biết: Toàn huyện có 23.787 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong đó, 16.477 trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo; 331 trẻ em khuyết tật (101 trẻ em khuyết tật nặng); 1.046 trẻ em mồ côi (103 trẻ mồ côi cả cha, mẹ); 15 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS... Số trẻ em bị tai nạn thương tích trên địa bàn không nhiều, song hầu hết nguyên nhân tai nạn là do sự chủ quan của phụ huynh. Về phía huyện, hàng năm, để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, UBND huyện đã giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan truyền thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa - Thông tin, Huyện đoàn… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề về cách phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại các trường học, cộng đồng. Qua đó, tạo cơ hội để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Ngoài ra, thông qua diễn đàn với chủ đề “Tạo môi trường sống an toàn cho mọi trẻ em”, thông điệp của trẻ được chuyển đến các nhà hoạch định chính sách các cấp, phòng, ban, ngành, đoàn thể tiếp nhận những vấn đề nổi cộm cần được quan tâm; đặc biệt là việc thực hiện quyền trẻ em… Cũng trong tháng 6 vừa qua, huyện đã tổ chức thành công Tháng Hành động vì trẻ em với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em”.

Nỗ lực của các cơ quan chức năng là thế, song theo anh Bùi Văn Thức, để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em hiệu quả, chủ yếu vẫn là ý thức của các bậc phụ huynh. Bởi nếu phụ huynh dành nhiều thời gian quan tâm tới con mình hơn, có nhiều kỹ năng quản lý, chăm sóc trẻ hơn… thì tai nạn thương tích sẽ được giảm thiểu.

Văn Quyết
Bình luận
Back To Top