Xã hộiVì trẻ em

Chuyện cổ tích thời hiện đại

09:37 - Thứ Năm, 04/08/2016 Lượt xem: 4606 In bài viết
ĐBP - Nhà văn Đan Mạch chuyên viết chuyện cổ tích cho thiếu nhi – Hans Christan Andersen từng có câu nói rất nổi tiếng rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết nên”. Và câu chuyện của “Ông Tây” với cô bé tật nguyền Thắm đã khiến tôi liên tưởng đến câu nói ấy của Andersen.

Ông Tây tên thật là Neville Tickner (Nev), một cựu chiến binh người Úc. Vốn là một pháo binh của quân đội Úc tại Việt Nam những năm 1967-1968. Năm 2009, ông Nev tới thăm Điện Biên Phủ và con người, mảnh đất nơi đây đã níu chân ông. Suốt 7 năm sống tại TP. Điện Biên Phủ, Nev đã trở thành một người bạn gần gũi, một người ông chu đáo, tận tình của những đứa trẻ không may mắn tại Làng trẻ em SOS và Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh. Bọn trẻ cũng yêu quý và gọi ông với cái tên trìu mến là: Ông Tây.

 

Nev và ông ngoại của Thắm hướng dẫn em cách sử dụng nạng tập đi.

Nev thường dành thời gian của mình cho những chuyến đi tới một số huyện nghèo ở Điện Biên để giúp đỡ, động viên người dân nơi đây. Và một trong những chuyến đi đó đã đưa ông gặp cô bé Thắm. Nev nói: “Lần đầu tiên tôi thấy Thắm khi tôi đang cùng vài người bạn lái xe ngang qua bản Hả trên con đường cũ dẫn tới Mường Phăng. Lúc đó, cô bé đang ngồi một mình ngoài hiên nhà, tôi nhận thấy cô bé bị khuyết tật. Tôi đã không vào nhà để hỏi thăm cô bé trong trường hợp ấy, vì có thể điều đó sẽ khiến cô bé sợ. Một vài ngày sau, tôi quyết định thuê xe quay trở lại bản Hả để hỏi thăm hoàn cảnh, tình trạng của cô bé.”

Bé Thắm có tên đầy đủ là Tòng Thị Thắm, năm nay 13 tuổi. Hiện em sống cùng bố mẹ và em trai 5 tuổi tại bản Hả, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Anh Tòng Văn Tinh, bố em tâm sự: “Hồi mới sinh, Thắm yếu lắm. Đến năm 3 tuổi, em vẫn chưa thể bò được, cả nhà lo lắng và đưa em đi khám, lúc đó bác sỹ nói, em bị mất 82% khả năng vận động”. Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình cũng không có điều kiện đưa em đến trường như bao đứa trẻ khác. Thắm không thể nói chuyện một cách rõ ràng, cô bé luôn phải cố gắng để diễn tả những câu chuyện của em qua đôi bàn tay yếu ớt và đôi mắt bé nhỏ của mình. Bất cứ ai ngay từ lần đầu gặp cô bé ấy đều có thể nhận thấy rằng, trong mắt em là khát khao cháy bỏng được đi lại, được nhìn ngắm thế giới bên ngoài. Với Thắm ước mơ có thể di chuyển mãi chỉ là khát khao…

Sau lần gặp em vào tháng 6/2016, ông Nev lập kế hoạch giúp đỡ bé Thắm. Với số tiền lương hưu ít ỏi của mình, ông không thể thực hiện được kế hoạch giúp đỡ Thắm một cách vẹn tròn. Do vậy, ông đã kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ từ những người bạn của mình trên khắp thế giới. Và 2 người bạn cũ của ông ở Mỹ, Úc, đã gửi tặng ông một khoản giúp đỡ nho nhỏ để có thể biến “phép màu” trở thành hiện thực với cô bé Thắm. Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn, ngày 25/6/2016, Nev đến thăm bé Thắm cùng những món quà lạ lẫm và bất ngờ với cô. Một đôi nạng để em tập đứng thẳng bằng 2 chân, phần nào đó khiến em dần dần có sự linh hoạt, độc lập hơn mỗi khi cử động và một chiếc xe lăn giúp em di chuyển thuận tiện. Ngày nhận những món quà, ánh mắt Thắm toát lên niềm vui rạng rỡ.

Không chỉ dừng lại ở đó, Nev còn có những dự tính lâu dài hơn cho sự phát triển của Thắm. Ông đang tìm kiếm một cô giáo ở những trường học xung quanh, người có thể tình nguyện dạy thêm cho cô bé về chữ cái và những con số. Ngoài ra, người bạn đời của Nev là Heather, một giáo viên tiếng Anh, đã mua rất nhiều bộ đồ chơi học tập cho em Thắm. Họ mong muốn dạy em về màu sắc để thông qua đó giúp em phát triển cử động của đôi tay qua việc dùng tay để nhặt lên những màu sắc theo yêu cầu.

“Đừng nghĩ về những thứ tôi đã mua cho cô bé ấy, hãy nghĩ rằng chúng ta đã thật may mắn khi có thể cố gắng khiến những nỗi đau của em trở nên nhẹ nhàng hơn và cuộc sống của em trở nên dễ dàng, có nhiều niềm vui hơn” - đó là những lời Nev tâm sự với tôi và có lẽ đấy cũng là cái đích cuối cùng cho mọi phép màu, từ câu chuyện cổ tích... thời hiện đại.

Bài, ảnh: Thanh Tâm
Bình luận
Back To Top