Xã hộiVì trẻ em

Tỷ lệ trẻ tử vong do viêm phổi ở Mường Chà tăng cao

Những nỗi đau còn mãi

09:48 - Thứ Năm, 25/08/2016 Lượt xem: 2548 In bài viết
ĐBP - Từ đầu năm đến hết tháng 6/2016, trên địa bàn huyện Mường Chà có 57 trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Trong đó, 35 trẻ tử vong do viêm phổi, tăng 6 trẻ so với cùng kỳ năm trước. Đây là thực trạng đáng báo động cần có giải pháp hạn chế kịp thời. Tuy nhiên, nhận thức của người dân đang là vấn đề nan giải…

 

Cán bộ y tế bản Púng Giắt, xã Mường Mươn tuyên truyền, vận động bà mẹ có con khi bị ốm cần đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị.

Phải mất nhiều ngày liên hệ, chúng tôi mới gặp được vợ chồng anh Quàng Văn Thái, bản Púng Giắt, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà (có con là Quàng Thủy Bông bị tử vong do viêm phổi). Vợ chồng anh về lấy thêm thực phẩm cho những ngày dài tiếp tục làm trên nương. Bên ngôi nhà nhỏ, được ghép bằng những tấm ván mỏng, tạm bợ, nằm chênh vênh bên sườn đồi, nhìn quanh ngôi nhà chúng tôi chỉ thấy có chiếc ti vi và những cái nồi đã cũ kỹ là tài sản lớn nhất của đôi vợ chồng trẻ. Vội vàng nhen những thanh củi nhóm bếp chuẩn bị bữa cơm tối cho các con, anh Quàng Văn Thái trải lòng với chúng tôi về sự ra đi của cháu Bông khi chưa tròn 3 tháng tuổi: “Là con thứ 3 trong gia đình, cháu Bông sinh ra trong đợt rét kỷ lục (12/12/2015). Mặc dù biết cháu Bông ốm được 4 ngày, nhưng do không có xe nên vợ, chồng tôi không đưa cháu đến Trạm Y tế xã chữa bệnh. Có hôm trời mưa kèm theo rét đậm, rét hại, mẹ cháu lại cõng con lên nương tìm rau rừng; khi về thấy cháu bị hôn mê mới “tá hỏa” đưa đến Trạm Y tế thì đã quá muộn. Cán bộ y tế chẩn đoán cháu Bông đã tử vong trước khi được cấp cứu…”. Đau lòng hơn là, nhà anh Thái chỉ cách Trạm Y tế xã chưa đầy 1km.

Tiếp tục men theo con đường mòn lầy lội, lớt nhớt bùn đất, chúng tôi đến gia đình chị Lý Thị Cở, bản Huổi Vang, xã Mường Mươn có con là Mùa Thị Púa tử vong do viêm phổi nặng. Khuôn mặt gầy guộc, mắt đỏ hoe, chị Cở nói với chúng tôi trong tiếng nấc: “Thương cháu lắm, nó còn quá nhỏ”. Púa là con thứ 2 trong gia đình, cháu sinh ra khỏe mạnh; mấy hôm khi cháu ốm, gia đình cứ nghĩ bệnh thông thường nên không đưa đến Trạm Y tế xã để kiểm tra. Khi cháu có biểu hiện khó thở, gia đình đưa đến Trạm để khám và được chuyển tuyến lên Trung tâm Y tế huyện Mường Chà. Do bệnh đã quá nặng nên cháu tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng trên đường đi cháu đã “không còn ở lại với chúng tôi nữa”... Nỗi đau quá lớn, nhưng gia đình cũng chỉ biết tự trách mình, nếu như đưa cháu đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm hơn thì có lẽ đã không mất cháu.

Tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân sự ra đi của trẻ nhỏ khi mắc viêm phổi, chúng tôi rất bất ngờ với những “nghịch lý” khi xã hội ngày càng phát triển, y tế đã vươn tới từng xã, nhưng ở nhiều thôn, bản vùng cao vẫn còn tồn tại những phong tục, tập quán lạ kỳ, lạc hậu. Phong tục phụ nữ đẻ được 3 ngày phải đưa con vào rừng nhặt củi làm lý, buộc cổ tay, tắm ở ngoài nhà... của người Khơ Mú với mong muốn cho con được khỏe mạnh, khi trưởng thành vào rừng kiếm sống thuận lợi, may mắn, săn được nhiều con hươu, con nai là một ví dụ. Với những cái lý và thương con như vậy, hiệu quả thì chẳng thấy đâu, nhưng bệnh tật đã lấy đi của họ rất nhiều, thậm chí là cả tính mạng con trẻ. Hơn nữa, ở những bản vùng cao vì cuộc sống khó khăn, phải lo miếng cơm manh áo mà nhiều bà mẹ trẻ khi mới sinh đã phải cõng con lên nương, lên rừng hái lượm, mặc cho trời mưa hay nắng các bậc cha mẹ vẫn phó mặc sự sinh tồn của con theo tự nhiên... 

Bác sỹ Vũ Thị Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ tử vong do viêm phổi tăng cao trong thời gian qua, nhưng chủ yếu là do nhận thức của người dân còn hạn chế, phong tục, tập quán lạc hậu; giao thông cách trở, nhiều bản cách xa trạm y tế xã nên việc vận chuyển bệnh nhân khó khăn. Hơn nữa, do đời sống, sinh hoạt của người dân vùng cao gắn liền với nương rẫy, khi đưa trẻ đi làm cùng không mang đủ quần áo, chăn, màn để giữ ấm cho trẻ... nến rất dễ mắc viêm phổi. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ do thiếu kiến thức nên không nhận biết được dấu hiệu bệnh, không biết chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ... Thậm chí nhiều bậc cha, mẹ khi con ốm không đưa đến cơ sở y tế khám, điều trị mà để ở nhà cúng bái, chữa trị bằng thuốc nam dẫn đến tử vong tại nhà. Nhiều trường hợp khi đưa đến cơ sở y tế thì đã quá muộn, không còn khả năng chữa trị…

Mặc dù, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà đã tăng cường cán bộ xuống từng bản, hộ gia đình tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh viêm phổi, nhưng chẳng thấm vào đâu; người dân vẫn chăm sóc trẻ theo kinh nghiệm, bản năng (đưa con lên nương mà không có các biện pháp phòng tránh dịch bệnh…). Bên cạnh đó, Trung tâm chỉ đạo Trạm Y tế xã thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh tại thôn, bản; kịp thời phát hiện xử lý sớm các trường hợp trẻ bị bệnh; tổ chức khám ngoại viện cho người lớn và trẻ tại các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã... Bác sỹ Vũ Thị Phương cũng thẳng thắn thừa nhận, với tình hình hiện tại, việc kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là viêm phổi ở trẻ là rất khó, bởi nhân dân chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh, không có ý thức phòng tránh bệnh cho trẻ…

Để những “nỗi đau” sẽ không còn nữa trong mỗi nếp nhà của đồng bào dân tộc vùng cao, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, cấp ủy chính quyền địa phương thì điều cốt yếu là mỗi người dân, mỗi bậc cha mẹ phải có nhận thức, kiến thức trong chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho con em mình thì mới mong có chuyển biến tích cực…

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top