Xã hộiVì trẻ em

Ngôi nhà chung của trẻ tình thương

09:28 - Thứ Tư, 14/09/2016 Lượt xem: 3044 In bài viết
ĐBP - Được thành lập từ năm 1990, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là ngôi nhà chung cho người già cô đơn không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh. Với chức năng đó, thời gian qua, Trung tâm thường xuyên nuôi dưỡng, chăm sóc gần 80 trẻ em mồ côi; trong đó, 90% là con em dân tộc thiểu số đến từ các huyện nghèo. Vượt qua nhiều khó khăn, Trung tâm đã xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh, một ngôi nhà thứ hai ấm áp tình thương cho các em...

 

Các cháu của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cùng các tình nguyện viên chăm sóc vườn rau xanh.

Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội vào cuối giờ chiều, khi các cháu đã kết thúc giờ học ở trường. Như bao đứa trẻ khác, các em ở Trung tâm cũng đỡ đần các mẹ việc nhà. Cháu lớn thì chăm sóc vườn hoa, vườn rau…; nhỏ hơn chút chơi đùa, trông nom các em bé hơn để các mẹ làm việc. Chị Lê Thúy Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chia sẻ: Hiện nay Trung tâm đang nuôi dưỡng 77 con từ 3 – 18 tuổi. Bên cạnh công tác chăm sóc, bồi dưỡng kiến thức văn hóa, Trung tâm cũng rất quan tâm tới việc dạy kỹ năng sống cho các con. Đa phần các con là trẻ mồ côi phải sống xa người thân từ nhỏ, thiếu thốn tình cảm gia đình nên rất dễ tủi thân. Chính vì vậy, Trung tâm chú trọng chăm sóc sức khỏe cùng đời sống tinh thần để các con phát triển toàn diện về tâm sinh lý như bao trẻ em khác. Các con được học nấu ăn dưới sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Dinh dưỡng sức khỏe; các hoạt động vệ sinh, chăm sóc vườn rau, bồn hoa, chăn nuôi lợn, gà… giúp các con biết lao động và yêu lao động… Trung tâm thường xuyên tổ chức cho các con giao lưu cùng các đơn vị bạn, các câu lạc bộ thanh niên tình nguyện hay giao lưu với những bạn nhỏ có cùng cảnh ngộ của Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ… giúp các con bớt mặc cảm, sống hòa nhập, tự tin. Mùa hè tại Trung tâm năm nào cũng sôi động và bổ ích. Các con được học võ cổ truyền, học hát, múa, ôn luyện kiến thức văn hóa… Vào các dịp tết cổ truyền, Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu… cán bộ Trung tâm cố gắng tổ chức cho các con đón tết đầm ấm, đủ đầy. Những việc làm đó phần nào bù đắp những thiệt thòi số phận, góp phần giáo dục các con trở thành người có nhân cách, có khả năng sống tự lập, tự tin trong tương lai. Không phụ lòng các mẹ, năm học 2015 - 2016, 98% trẻ tại Trung tâm đạt hạnh kiểm khá, tốt; 46% các con có học lực khá, giỏi; 3 con thi đỗ vào trường đại học; 1 con đoạt giải nhì học sinh giỏi môn Lịch Sử cấp tỉnh… Những kết quả đó là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực của các con và cũng là nguồn động viên, khích lệ tinh thần với các mẹ tại Trung tâm.

Trực tiếp quản lý và cũng là người thường xuyên tiếp xúc với các con, cô Nguyễn Thị Tuấn, Phó trưởng Phòng Quản lý đối tượng, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nắm bắt hầu hết những tâm tư tình cảm của các con. Cô Tuấn, chia sẻ: Gắn bó với Trung tâm gần 4 năm, nhiệm vụ chính của cô là chăm sóc các con. Mỗi con vào đây đều có hoàn cảnh riêng nên cũng cần có những cách tiếp cận, chăm sóc riêng. Như trường hợp của cặp chị em Quàng Thị Liên, Quàng Thị Lai mẹ mất sớm, còn bố sa chân vào vòng lao lý, khi được đón về Trung tâm các con rất mặc cảm về bản thân. Hai con đều sống rất khép mình, không chuyện trò, tâm sự với ai; đứa em còn thường xuyên trốn ra chỗ vắng khóc một mình. Các mẹ trong Trung tâm phải thường xuyên theo dõi, gần gũi động viên để 2 chị em vơi dần mặc cảm. Nhiều lúc 2 con còn lảng tránh, không nói chuyện nhưng các mẹ vẫn hết sức kiên trì. Khi thì tỉ tê trò chuyện trong giờ lao động, giờ chơi; lúc thì động viên trong lúc kèm 2 con ôn tập kiến thức… Dần dần, 2 chị em Liên, Lai cũng hòa đồng trở lại với các bạn, em bé cười nhiều hơn chứ không còn hay khóc như trước. Một trường hợp khác là em Tòng Văn Hùng không may bị bệnh tan máu bẩm sinh. Em cần được truyền máu định kỳ 2 tháng/lần để duy trì sức khoẻ bình thường. Ngoài lượng máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh giúp, Trung tâm huy động thêm cán bộ, các mẹ, các con đủ 18 tuổi, các bạn tình nguyện viên tham gia hiến máu để truyền cho Hùng giúp em có sức khỏe học tập và vui chơi như bao bạn khác.

Tuy vậy, để chăm lo cuộc sống cho các con được đủ đầy hơn nữa, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vẫn cần thêm nhiều những nguồn lực hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Chị Lê Thúy Hồng, cho biết: Theo quy định của Nhà nước, các con được hưởng trợ cấp 345.000 đồng/tháng, bao gồm các khoản sinh hoạt phí (quần áo, sách vở, giày dép, đồ dùng học tập, tiền nộp học…). Với mức trợ cấp này, việc đảm bảo sinh hoạt và học tập của các con là rất khó khăn, nhất là vào dịp đầu năm học mới. Trong khi công tác huy động tài trợ của Trung tâm còn nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm chỉ nhận được gần 120 triệu đồng và một số phần quà cho các cháu. Chính vì vậy, Trung tâm mong muốn nhận được sự quan tâm, sẻ chia, chung tay giúp sức của các nhà hảo tâm, các tấm lòng thiện nguyện để ủng hộ cho các con nhiều hơn nữa về vật chất, tinh thần để các con có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.

Bài, ảnh: Sơn Nam
Bình luận
Back To Top