Xã hộiVì trẻ em

Để chăm sóc trẻ em đúng luật

15:15 - Thứ Ba, 30/05/2017 Lượt xem: 3242 In bài viết
Gần đây, rộ lên “phong trào” đưa hình ảnh, bảng điểm tổng kết, thông tin cá nhân của học sinh lên các trang mạng xã hội. Đây là việc tưởng như bình thường, nhưng thực chất đã và đang tác động nhiều mặt đến trẻ em. Thậm chí, việc này còn vi phạm Luật Trẻ em đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5-4-2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017. Vậy làm thế nào để chăm sóc, bảo vệ trẻ em đúng luật?

Những hình ảnh học sinh cùng giấy khen, bảng điểm tổng kết với đầy đủ thông tin về trường, lớp các em học, cùng những lời giới thiệu về con với đặc điểm, tính cách… thời gian qua xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội. Không ít trường hợp, hình ảnh về các em, từ khi lọt lòng cho đến từng giai đoạn lớn lên, đi học, trưởng thành được “lột tả” chi tiết với nhiều lời bình luận của họ hàng, bạn bè, cha mẹ các con, đã tiết lộ hoàn toàn thông tin cá nhân về trẻ.

 

Cha mẹ nên cân nhắc khi đăng tải hình ảnh, thông tin của con lên mạng xã hội.

Hầu hết phụ huynh và những người đưa ảnh, thông tin về trẻ lên các trang mạng xã hội đều xem nhẹ việc có thể vô tình tạo nên “cái bẫy” nguy hiểm đối với chính con em mình. Mặt khác, nhiều em mặc dù không thích cha mẹ, gia đình đưa hình ảnh và kết quả học tập của mình ra “khoe” với mọi người trên mạng xã hội, nhưng dù vậy thì hình ảnh và thông tin về trẻ vẫn bị phụ huynh đăng tải… Thậm chí không ít bậc cha mẹ còn bày tỏ rằng “vì muốn khoe thành tích của con với mọi người mà phải “nịnh” để con đồng ý cho đăng thông tin”.

Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, Điều 54 Luật Trẻ em quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật. Điều 87 của Luật này quy định: Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử và các phương tiện thông tin khác.

Ngoài ra, Điều 100 của Luật Trẻ em ghi rõ: Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm chấp hành các quyết định, biện pháp, quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm sự an toàn, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; bảo đảm để trẻ em thực hiện được quyền bí mật đời sống riêng tư của mình, trừ trường hợp cần thiết để bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ. 

Cũng theo bà Hồng, qua nhiều năm công tác trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em, bà nhận thấy, rất nhiều trẻ em là nạn nhân của sự vô tình hoặc thiếu hiểu biết của người lớn, có thể do cách chăm sóc, bảo vệ chưa đúng tâm lý, lứa tuổi các con. Nhiều gia đình do nuông chiều con quá mức, khiến trẻ thiếu tính tự lập, không tự tin khi không có bố mẹ, thầy cô bên cạnh.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Hệ, giáo viên Trường Trung học cơ sở Yên Hòa (Cầu Giấy) cho rằng, nếu con vui vẻ, phụ huynh hoàn toàn có thể chia sẻ thành tích học tập của con để bạn bè, người thân xa gần biết và chung vui. Tuy nhiên, chỉ cần những lời động viên nhẹ nhàng, tránh để lộ thông tin cá nhân về con, đồng thời nên lưu ý cần cân nhắc cách dùng từ ngữ, tránh tạo cho con sự tự mãn thành tự kiêu, dễ dẫn đến chủ quan trong học tập.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm (2012-2016), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ. Trong khi đó, theo lãnh đạo Phòng C45 - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an: “Cách tiếp cận phổ biến và tinh vi mà các đối tượng sử dụng hiện nay là thông qua hệ thống mạng xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, với số lượng người tham gia mạng xã hội chiếm 31% dân số thì nguy cơ trẻ em bị xâm hại từ chính những hình ảnh mà người thân phát tán là đáng báo động”.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top