Xã hộiVì trẻ em

Tín hiệu vui từ EVAC

09:20 - Thứ Năm, 07/09/2017 Lượt xem: 3891 In bài viết
ĐBP - Dự án Chấm dứt bạo lực với trẻ em (gọi tắt là EVAC) bắt đầu được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức Tầm nhìn thế giới triển khai tại 7 xã thuộc 2 huyện Mường Chà, Tuần Giáo từ đầu tháng 10/2016. Qua gần 1 năm thực hiện, Dự án đã thu được những kết quả tích cực, mang lại nhiều tín hiệu vui trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn…

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện nay toàn tỉnh có 210.914 trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó, 8.525 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ mồ côi, khuyết tật, tàn tật, bạo lực, xâm hại, bị buôn bán, tảo hôn… Tình trạng trẻ em bị bạo lực và xâm hại tình dục vẫn xảy ra tại một số địa bàn và có những diễn biến phức tạp; môi trường sống hiện nay còn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn đối với trẻ em. Trong khi đó, các dịch vụ trợ giúp và hỗ trợ trẻ em tại cộng đồng còn thiếu và chưa mang tính chuyên nghiệp, đặc biệt là các dịch vụ về tư pháp và hỗ trợ chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Để huy động thêm nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng, cuối năm 2016, UBND tỉnh đã tiếp nhận Chương trình Chấm dứt bạo lực với trẻ em (EVAC) do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tài trợ tại 7 xã: Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông (huyện Tuần Giáo); Hừa Ngài, Huổi Lèng, Sa Lông (huyện Mường Chà). Tiếp đó, cơ chế phối hợp giữa Sở LĐTBXH và Văn phòng đại diện Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam về việc hợp tác thực hiện dự án giai đoạn 2016 - 2021 được ký kết đã tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các hoạt động dự án trên địa bàn tỉnh.

 

Cán bộ Ban Bảo vệ trẻ em hướng dẫn bà mẹ đang nuôi con nhỏ tại bản Sa Lông 1, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) thực hành dinh dưỡng từ thực phẩm sẵn có tại địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở LĐTBXH, cho biết: Qua thời gian triển khai, tại cấp tỉnh đã thực hiện 4 hoạt động; 2 huyện, 7 xã dự án triển khai 56 hoạt động, đạt 31% kế hoạch. Dự án EVAC đã truyền thông cho trên 1.800 người (bao gồm: 600 trẻ em và 1.200 cha, mẹ và người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ); kiện toàn ban bảo vệ trẻ em ở 2 huyện và 7 ban bảo vệ cấp xã thuộc dự án. Kết quả bước đầu tại các xã dự án cho thấy: 14% thanh, thiếu niên đã thay đổi hành vi để tự bảo vệ mình nhằm giảm thiểu nguy cơ bị mua bán và các hình thức bạo lực; 76% các gia đình dễ bị tổn thương được tiếp cận với các dịch vụ xã hội và 25% cha mẹ và người chăm sóc trẻ được hỗ trợ tư vấn về việc sử dụng các hình thức kỷ luật tích cực đối với trẻ em; 82% người chăm sóc trẻ báo cáo Ban Bảo vệ trẻ em thực hiện đầy đủ nhiệm vụ để ứng phó với xâm hại, bóc lột và mua bán người. Các hoạt động của Dự án đã từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ, chăm sóc và phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em.

Là một trong 2 huyện của Dự án, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện Mường Chà bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực. Bà Nguyễn Thị Thủy, cán bộ phòng LĐTBXH huyện Mường Chà, cho biết: Hướng đến mục tiêu trẻ em, thanh thiếu niên thay đổi về thái độ, hành vi để tự bảo vệ mình, phòng phối hợp với Dự án hỗ trợ các xã rà soát, cập nhật số liệu về 3.491 trẻ em tại 23 bản thuộc 3 xã dự án. Kết quả cho thấy có 200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 3.101 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đây là cơ sở chính xác để UBND huyện, Chương trình Phát triển vùng Mường Chà - đơn vị phối hợp thực hiện dự án, xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các em. Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, UBND 3 xã dự án đã phối hợp với Chương trình Phát triển vùng Mường Chà tổ chức truyền thông, tọa đàm về phòng chống xâm hại trẻ em và buôn bán người với sự tham gia của 834 trẻ em, 114 phụ huynh, 81 giáo viên các trường học trên địa bàn. Thông qua truyền thông đã cung cấp cho trẻ em, người chăm sóc trẻ kiến thức về phòng chống xâm hại trẻ em, buôn bán người; các thủ đoạn của buôn bán người, biện pháp tự bảo vệ bản thân khỏi buôn bán người… Không chỉ vậy, trẻ em tham dự buổi truyền thông đã tự tin hơn khi mạnh dạn bày tỏ quan điểm, tiếng nói của mình về các vấn đề trẻ em quan tâm; Ban Bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ đã từng bước tiếp cận phương pháp tạo ra sân chơi, môi trường an toàn cho trẻ, phòng, chống trẻ bị bạo lực, xâm hại và buôn bán dưới mọi hình thức…

Mới khởi động và vận hành gần một năm nhưng từ những kết quả bước đầu của Dự án có thể thấy những chuyển biến tích cực từ cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về quyền trẻ em. Mong rằng, trong thời gian thực hiện dự án sẽ thêm nhiều kết quả về thay đổi thái độ, hành vi của trẻ em và thanh thiếu niên để tự bảo vệ; tiếp cận dịch vụ phù hợp cho gia đình và người chăm sóc trẻ; xây dựng cộng đồng vững mạnh để tạo môi trường an toàn, bảo vệ trẻ; giảm thiểu các “rào cản” nhằm giải quyết bạo lực trẻ em, bao gồm cả mua bán người… Đó sẽ là tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top