Xã hộiVì trẻ em

Phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em

09:25 - Thứ Hai, 30/10/2017 Lượt xem: 3867 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Qua đánh giá, phân tích của Sở Y tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn thương tích phần lớn là do tai nạn giao thông, ngã và tai nạn lao động. Ðiều đáng nói, các trường hợp mắc và tử vong không chỉ ở khu vực nông thôn mà xảy ra nhiều ở khu vực thành thị.

 

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học Luân Giói (huyện Ðiện Biên Ðông) tổ chức sinh hoạt nội trú rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Khoảng cuối tháng 8 vừa qua, tại bể bơi Khách sạn Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ. Cháu Nguyễn Minh N., 9 tuổi, trú tại phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ), sau khi đi học về, cháu N. đạp xe vào khuôn viên Khách sạn Mường Thanh chơi gần khu vực bể bơi. Mặc dù nhân viên an ninh khách sạn nhắc nhở cháu N. và yêu cầu ra khỏi khu vực bể bơi, nhưng vì thấy đông các bạn cùng lứa tắm dưới bể nên N. đã trốn bảo vệ xuống tắm mà không mua vé. Sau khi không thấy N. các bạn cùng tắm đã tri hô người lớn. Ngay sau đó, nhân viên an ninh của Khách sạn đã nhanh chóng xuống bể bơi tìm kiếm, đưa N. lên, song N. đã tử vong. Hay như trường hợp của cháu Giàng Minh H., (3 tuổi) trú tại xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) vừa qua cũng bị tai nạn thương tích phải nhập viện trong tình trạng bị bỏng nặng (30% cơ thể). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cha, mẹ H. đi làm nương, H. ở nhà với anh, chị. Anh, chị để H. chơi một mình rồi ngã vào chậu nước sôi. Những trường hợp trên chỉ là những trường hợp rất nhỏ trong số hàng trăm, thậm chí hàng nghìn vụ việc thương tâm xảy ra với trẻ em do sự bất cẩn của người lớn.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 1/2016 - 6/2017, toàn tỉnh xảy ra 14.989 ca tai nạn thương tích với 474 ca tử vong. Trong đó, số trẻ em là 3.916 ca (chiếm 26,2%), số tử vong là 119 ca. Trước thực trạng trên, các cấp, các ngành cùng nhiều cơ quan, đơn vị đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Ðến nay, trên 70% các sở, ban, ngành, đoàn thể đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích theo kế hoạch của UBND tỉnh; 100% các huyện, thị, thành phố; trên 80% xã, phường, thị trấn triển khai kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng sống cho người lớn và trẻ nhỏ lồng ghép trong các hoạt động: Tháng An toàn giao thông; Tuần lễ quốc gia về vệ sinh an toàn lao động - phòng, chống cháy nổ; Tháng hành động vì trẻ em; Ngày sức khỏe thế giới; kỳ nghỉ hè. Ngành Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các cơ sở trường học duy trì và đẩy mạnh việc lồng ghép nội dung giáo dục thực hiện trong trường học an toàn và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực học đường. Thường xuyên phối hợp giữa nhà trường với chính quyền, công an, gia đình... trong việc hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích. Ðầu năm học 2017 - 2018, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong trường học giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025. Ðề ra một số nhiệm vụ và giải pháp thiết thực, cụ thể, như: Ðẩy mạnh truyền thông, giáo dục; xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; phòng, chống một số tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em; khảo sát, khắc phục nguy cơ gây tai nạn thương tích và xử lý khi tai nạn thương tích xảy ra...

Thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống tai nạn thương tích thời gian qua đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động triển khai, như: Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em; tập trung xây dựng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Gia đình an toàn”, “Cộng đồng an toàn cho trẻ”; tạo sân chơi lành mạnh cho các em nhỏ đã góp phần giảm tỷ lệ thương tích ở trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nỗ lực của các cơ quan chức năng là chưa đủ mà quan trọng nhất vẫn là ý thức của các bậc phụ huynh trong việc hướng dẫn, quan tâm, truyền dạy kỹ năng sống cho các em. Có như vậy mới hạn chế được số ca tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top