Xã hộiVì trẻ em

Kiểm soát chất lượng nguồn cung thực phẩm trong bếp ăn trường học

Vì bữa ăn an toàn cho trẻ

08:58 - Thứ Tư, 03/04/2019 Lượt xem: 3579 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong các cơ sở giáo dục đã được quan tâm thực hiện theo quy định. Song tại một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm... Do đó, để đảm bảo bữa ăn an toàn, chất lượng cho trẻ đòi hỏi các trường có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm cung ứng, thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo ATVSTP.

 

Ðoàn thanh tra chuyên ngành Chi cục ATVSTP tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể tại Trường Mầm non 7/5 (TP. Ðiện Biên Phủ).

Kiểm soát chặt nguồn cung thực phẩm

Theo số liệu của Chi cục ATVSTP tỉnh, toàn ngành Giáo dục và Ðào tạo hiện có 457 trường học có bếp ăn tập thể phục vụ hơn 120.000 suất ăn cho học sinh hàng ngày. Với số lượng suất ăn nhiều như vậy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được các trường coi trọng. Việc lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm đều được các trường ký hợp đồng với những tổ chức, cá nhân có uy tín, đảm bảo chất lượng thực phẩm và có giá thành hợp lý. Năm học 2018 - 2019, Trường Mầm non xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) có 9 nhóm lớp với tổng số 231 trẻ, trong đó 100% trẻ ăn bán trú tại trường. Cô Trịnh Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Yên, chia sẻ: Ðể đảm bảo chất lượng ATTP, Trường đã ký hợp đồng với các cơ sở có đủ điều kiện vệ sinh ATTP để cung cấp các loại thực phẩm cho Trường. Vào 8 giờ hàng ngày, cán bộ thủ kho và nhân viên cấp dưỡng sẽ tiếp nhận thực phẩm được sử dụng trong ngày, trong quá trình tiếp nhận sẽ kiểm tra chặt chẽ số lượng, chất lượng, thành phần theo thực đơn. Nếu thực phẩm không đảm bảo theo yêu cầu, Trường kiên quyết loại bỏ, thay đổi nguồn cung cấp. Việc chế biến thực phẩm được Trường thực hiện đúng theo nguyên tắc một chiều, thực đơn bữa ăn được thay đổi theo tuần nhằm đảm bảo ATTP và chất lượng bữa ăn cho trẻ. Trường cũng có tủ để lưu mẫu thức ăn trong 24 giờ kể từ khi thức ăn được chế biến xong.

Cũng như Trường Mầm non xã Thanh Yên, để đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn giúp học sinh phát triển toàn diện, tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (TP. Ðiện Biên Phủ) các loại lương thực, thực phẩm đều được lựa chọn nhập từ các cơ sở có đủ điều kiện chứng nhận ATTP, chủ cơ sở có kiến thức về ATTP, có giấy phép kinh doanh. Thực phẩm khi bàn giao đều đảm bảo tươi ngon, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhân viên cấp dưỡng của nhà trường đều là những người có kỹ năng thực hành bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm, có chứng chỉ sơ cấp nghề nấu ăn, được tập huấn kiến thức về ATTP; có đầy đủ các trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ nấu ăn... Năm học 2018 - 2019, Trường có 370/738 học sinh ăn bán trú, nhờ làm tốt công tác đảm bảo ATTP, những năm qua trường không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Trong những ngày cuối tháng 3, chúng tôi cùng đoàn thanh tra chuyên ngành Chi cục ATVSTP tỉnh đi thanh tra ATTP đối với 8 bếp ăn tập thể trường học thuộc Phòng GD&ÐT thành phố Ðiện Biên Phủ. Trong quá trình thanh tra, Ðoàn đánh giá 100% các trường đảm bảo điều kiện về ATTP theo quy định đối với bếp ăn tập thể trường học. Các trường đều đảm bảo nhập hàng hóa, nguyên liệu có đầy đủ nhãn mác theo quy định; có hợp đồng mua bán với các nhà cung cấp; lưu thực phẩm và chế độ kiểm thực ba bước theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về ATTP; 100% các trường cũng xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP và xây dựng phương án xử lý khi ngộ độc thực phẩm tại trường xảy ra...

Vì bữa ăn an toàn cho trẻ

Quá trình thanh tra ATTP đối với các bếp ăn tập thể trường học thuộc Phòng GD&ÐT thành phố Ðiện Biên Phủ, đoàn thanh tra vẫn ghi nhận một số hạn chế: Tại các trường trên địa bàn thành phố, điều kiện vệ sinh tại một số bếp ăn vẫn còn chưa đảm bảo; khu vực chế biến chật, dễ bị ô nhiễm chéo; không có phòng ăn riêng. Một số trường do điều kiện đi lại khó khăn nên ngoài thực phẩm tươi sống còn phải dùng các lọai thực phẩm đông lạnh và cá khô mà nếu không được bảo quản tốt, có nguồn gốc rõ ràng thì rất dễ gây ra ngộ độc thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Ðể đảm bảo bữa an toàn, chất lượng cho học sinh, nhất là sau khi trên địa bàn một số huyện đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, Chi cục ATVSTP tỉnh đã gửi văn bản đề nghị các trường cao đẳng, phòng GD&ÐT các huyện, thị, thành phố và các trường có bếp ăn tập thể trực thuộc Sở GD&ÐT triển khai ngay một số biện pháp đảm bảo ATVSTP. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là tuyệt đối không sử dụng thực phẩm, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; gia súc, gia cầm dịch bệnh, chết không rõ nguyên nhân; thịt chưa được kiểm dịch tại địa phương. Ðồng thời, tổ chức chế biến, sử dụng, bảo quản, lưu mẫu thực phẩm, giữ gìn vệ sinh trang thiết bị, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường theo đúng quy định tại các bếp ăn tập thể trường học. Ban giám hiệu các trường cần tổ chức hoạt động giám sát đảm bảo chất lượng ATTP đối với nguồn cung cấp, nhập thực phẩm hàng ngày...

Gần đây, khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, các trường trên địa bàn thành phố và một số trường trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã chuyển sang sử dụng một số loại thịt khác thay thế, như: Thịt gà, thịt bò, thịt vịt... để vừa đảm bảo ATTP, vừa đảm bảo đầy đủ chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra, ngành GD&ÐT cũng chỉ đạo các trường tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát tại bếp ăn tập thể; chủ động phối hợp với Chi cục ATVSTP tỉnh và các cơ quan y tế trên địa bàn trong việc kiểm tra công tác đảm bảo ATTP; tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống. Khi phát hiện ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm hoặc sự cố mất ATTP cần báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng và phòng GD&ÐT để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết khắc phục kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Bài, ảnh: Ðức Linh
Bình luận
Back To Top