Xã hộiVì trẻ em

Đầu hè đã báo động tình trạng đuối nước trẻ em

09:26 - Thứ Tư, 22/05/2019 Lượt xem: 3040 In bài viết

Chỉ mới đầu hè mà các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa thông tin về các vụ tai nạn đuối nước thương tâm của trẻ em tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây là vấn đề đáng báo động cho thấy chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề dạy bơi, dạy kỹ năng cứu đuối và các biện pháp phòng chống đuối nước cho trẻ trong mùa hè.

Liên tiếp các vụ đuối nước

Một vụ tai nạn đuối nước dẫn đến 4 học sinh trung học bị chết đuối vừa xảy ra chiều ngày 20-5 tại xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa khiến ai cũng xót xa. Theo thông tin từ chính quyền địa phương, nạn nhân là các em Nguyễn Hải Dương (SN 2006) học sinh lớp 7/1; Trần Thị Ngọc Bích (SN 2006) lớp 7/2; Nguyễn Thị Kim Truyền (SN 2005) học lớp 8/2 cùng em ruột Nguyễn Thị Kim Nhung (SN 2007) học lớp 6/2 Trường THCS Tô Hiến Thành, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hoà. Các em rủ nhau đến con suối chảy sông Cái qua địa phận thôn Dục Mỹ, xã Ninh Sim để tắm.

Do sa vào khu vực có mực nước sâu và vấp phải dòng nước chảy xiết nên 4 học sinh bị đuối nước và tử vong. Trước đó không lâu, khoảng 13h30’ ngày 6-5, nhóm học sinh khoảng 10 em rủ nhau ra sông Mã, đoạn chảy qua thôn Vực, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa tắm mát vì trời nắng nóng. Trong quá trình tắm, 4 học sinh đều học lớp 7B Trường THCS Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc đã bị nước cuốn vào vòng xoáy, sau đó bị nhấn chìm.

 

Hiện trường vụ việc 8 học sinh bị đuối nước thương tâm tại Hòa Bình.

Những học sinh còn lại khi phát hiện các bạn bị nước cuốn trôi đã vội lên bờ và chạy vào làng tìm người lớn đến cứu vớt. Khi người dân ra đến nơi thì không thấy các cháu đâu, tổ chức tìm kiếm nhưng cũng không tìm thấy. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa đã cử lực lượng đến tìm kiếm. Sau nhiều giờ đồng hồ, đến khoảng 17h cùng ngày, cả 4 học sinh đã được tìm thấy và đều đã tử vong.

Ngày 25-4, tại xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên cũng đã xảy ra vụ việc hai nữ sinh trung học cơ sở chết đuối khi đi tắm tại hồ chứa nước trong hệ thống thuỷ lợi Giáng Tiên ở thôn Hoà Sơn, xã Sơn Hà. Khoảng 9h sáng cùng ngày, sau khi rời Trường THCS Sơn Hà nằm bên tuyến đường quốc lộ 25 ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, một nhóm gồm 7 học sinh lớp 8 rủ nhau đến hồ chứa nước Giáng Tiên ở thôn Hoà Sơn, xã Sơn Hà để tắm. Do gặp phải dòng chảy xiết đẩy ra nơi mực nước sâu, 3 học sinh đã bị đuối nước.

Tăng cường các biện pháp chống đuối nước cho trẻ

Chắn hẳn không ai có thể quên vụ việc thương tâm 8 em học sinh trường tiểu học và THCS Hữu Nghị, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình rủ nhau tắm tại bãi sông Thịnh Minh thuộc sông Đà và đã tử vong do đuối nước ngày 21-3 vừa qua.

Ngay sau vụ việc này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em ban hành Công văn số 1123/UBQGTE đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng.

Theo đó, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em; tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em.

Tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện việc xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai mô hình bể bơi thông minh tại các trường tiểu học, góp phần không nhỏ trong việc phổ cập bới học sinh. Theo số liệu của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, năm 2017, toàn thành phố đã đưa vào sử dụng trên 100 bể bơi mini, bể bơi thông minh trong các nhà trường, cùng gần 100 bể bơi ở các địa bàn quận, huyện có hợp đồng phổ cập bơi cho học sinh. Khoảng gần 104 ngàn học sinh đã được dạy bơi và tỷ lệ biết bơi trong số này là 90%.

Trong năm 2018 có khoảng 232 bể bơi phục vụ và số học sinh tham gia phổ cập bơi là gần 109,8 nghìn em. Tuy nhiên, đây là câu chuyện tại Hà Nội, nơi mà những vụ đuối nước thương tâm ít xảy ra. Thông thường, những vụ đuối nước lại xảy ra ở nhiều ở các tỉnh đặc biệt là khu vực nông thôn trên cả nước, nơi học sinh ít có điều kiện được học bơi.

Liên quan đến vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Hà Nội - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, để ngăn chặn các vụ đuối nước xảy ra nhất là trong dịp hè, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, để mắt đến trẻ.

Điều đó có nghĩa là phải chủ động phát hiện được trong nhà mình có những gì là nguy cơ gây mất an toàn, gây tai nạn thương tích cho trẻ đặc biệt là chết đuối. Ví dụ chum vại, bể nước, hố nước, giếng khơi, ao hồ quanh nhà thì phải rào chắn thế nào, đậy thế nào để loại bỏ nguy cơ. Đây là vấn đề đầu tiên và rất quan trọng.  

Còn câu chuyện dạy bơi cho trẻ em, ông cho rằng, ở nước ta, trẻ em từ 6-7 tuổi trở lên mới bắt đầu được học bơi. Trong khi ở nước ngoài, trẻ em biết bơi trước khi biết đi. Tuy nhiên, học bơi không đơn thuần chỉ là dạy các em biết bơi mà cần phải dạy cho trẻ cả kỹ năng cứu đuối. Bởi lẽ, rất nhiều em bé mới biết bơi khi thấy bạn mình chết đuối thường nhảy ào xuống cứu bạn từ đó rất dễ dẫn đến tình trạng chết đuối cả 2 một cách đầy xót xa.

Song song câu chuyện học bơi phải là câu chuyện về học kỹ năng cứu đuối, kỹ năng an toàn và giáo dục các em bé phải làm như thế nào trước tình huống bạn bị ngã xuống nước. Cùng với đó, để ngăn ngừa tình trạng đuối nước cho trẻ trong dịp hè là trách nhiệm của những người quản lý trẻ em ở cộng đồng. Đó là việc tạo các sân chơi an toàn, bổ ích thu hút các em tham gia.

Ví dụ như xây dựng các bể bơi lắp ghép cho trẻ em để tránh trẻ phải tìm đến ao hồ. Ông cũng chia sẻ quan điểm xã hội hóa trong việc đưa các khóa học bơi cho trẻ vào nhà trường.

 

Nhắc nhở học sinh phòng tránh tai nạn đuối nước hằng ngày

Để hạn chế tình trạng học sinh bị đuối nước trong kỳ nghỉ hè, đồng thời tăng cường kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản chỉ đạo các sở giáo dục, nhà trường nhắc giáo viên cần dành từ 3 đến 5 phút mỗi ngày ở các tiết học cuối, trước khi học sinh tan trường để căn dặn, khuyến cáo học sinh về các biện pháp phòng, chống đuối nước.

Giáo viên cần lưu ý nhắc nhở học sinh tuyệt đối không được chơi ở gần khu vực ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hồ công trình..., nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tai nạn thương tích.

Trong thời gian nghỉ hè, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức, đoàn thể tại địa phương hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, trong đó có các lớp học bơi, lớp học kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh trong việc nhận diện các nguy cơ đuối nước để có biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước hiệu quả. (Hùng Quân)

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top