Xã hộiVì trẻ em

Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em

09:59 - Thứ Hai, 19/08/2019 Lượt xem: 19148 In bài viết
Tại Quyết định số 1235/QÐ-TTg ngày 3-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020, T.Ư Ðoàn được giao chủ trì thực hiện xây dựng thí điểm mô hình "Hội đồng trẻ em" (HÐTE). Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Ðoàn, Hội đồng Ðội T.Ư đã lựa chọn năm tỉnh, thành phố, gồm: Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Ðịnh, TP Hồ Chí Minh thí điểm xây dựng mô hình.

Tính đến nay, sau hơn hai năm triển khai mô hình, đã có 10 tỉnh, thành phố có HÐTE, trong đó, tám địa phương tổ chức ở cấp tỉnh, hai địa phương tổ chức ở cấp huyện. HÐTE là một hướng đi mới trong tiến trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ, tạo môi trường bình đẳng để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị xuất phát từ cuộc sống và trong học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí. Ðồng thời, HÐTE đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp lãnh đạo địa phương, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của trẻ. Từ đó, thông điệp của các em được cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và HÐND, UBND tiếp nhận và từng bước giải quyết một cách có hiệu quả, tích cực. Trong năm 2019, Hội đồng Ðội T.Ư tiếp tục hướng dẫn, định hướng để các tỉnh có điều kiện tiếp tục nhân rộng mô hình. Ðáng chú ý, tháng 6-2019, Hội đồng Ðội T.Ư đã ký biên bản ghi nhớ với tổ chức Plan International Việt Nam về "Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em" giai đoạn 2019 - 2021, trong đó, xác định tập trung hỗ trợ thành lập HÐTE các cấp tại năm tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum.

Có thể thấy, thông qua những kết quả hoạt động ban đầu thời gian qua, HÐTE là mô hình cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm góp phần thúc đẩy quyền tham gia của trẻ và các vấn đề liên quan trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Tuy nhiên, đây là mô hình còn mới, chưa được áp dụng cụ thể tại một nước nào trên thế giới cho nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều lúng túng. Việc tuyên truyền về hoạt động của mô hình HÐTE ở cấp cơ sở nơi các thành viên sinh hoạt và học tập còn hạn chế; nhiều phụ huynh, người phụ trách thiếu nhi chưa rõ nhiệm vụ của các thành viên tham gia HÐTE để kịp thời chia sẻ, hỗ trợ. Trong quá trình hoạt động, các thành viên HÐTE còn thiếu kỹ năng; việc thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến chưa bao quát. Vai trò của ban tham vấn định hướng hoạt động cho HÐTE dù đã được quy định nhiệm vụ cụ thể nhưng trong quá trình thực hiện, một số đơn vị vẫn chưa phát huy hiệu quả, trách nhiệm của các thành viên.

Thời gian tới, để hoạt động của HÐTE thiết thực, hiệu quả, tổ chức đoàn, hội đồng đội các cấp cần nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chủ động tích cực, kiên trì trong việc tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức có liên quan. Thành viên HÐTE phải bảo đảm tính đại diện cho các địa phương, có cơ cấu hợp lý về dân tộc, độ tuổi, giới tính; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của thành viên ban tham vấn và thành viên HÐTE trong tiếp thu, lắng nghe, tổng hợp các vấn đề trẻ em trên địa bàn. Ðẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực hiện Luật Trẻ em, các quyền của trẻ em, trong đó cần chú trọng vai trò của cha mẹ và gia đình trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ. Tiếp tục giới thiệu, nhân rộng những mô hình HÐTE đang hoạt động tốt; đồng thời tạo điều kiện cũng như tháo gỡ khó khăn để HÐTE ở các tỉnh, thành phố phát triển các hoạt động vì trẻ em.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top