Xã hộiVì trẻ em

Nâng cao nhận thức về quyền của trẻ em gái

08:45 - Thứ Hai, 11/10/2021 Lượt xem: 17840 In bài viết

ĐBP - Đẩy mạnh truyền thông, triển khai các mô hình thiết thực nâng cao chất lượng dân số là những cách làm hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về quyền của trẻ em gái. Đây là điều kiện thuận lợi để giải quyết triệt để nạn phân biệt đối xử với trẻ em gái, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính… giúp trẻ em gái được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện.

Cán bộ Phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông) tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho người dân bản Háng Pu Xi, xã Phì Nhừ.

Trong câu chuyện hàng ngày với người dân tại địa bàn, y sĩ Lường Như Quỳnh, cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) lại khéo léo nhắc đến nỗi vất vả của người phụ nữ trong gia đình cũng như những lợi ích khi sinh con gái: “Phụ nữ thường gánh vác nhiều nhiệm vụ; vừa đi làm, vừa lo toan mọi việc trong nhà, trong đó có việc rất vất vả và còn đảm nhiệm nhiều hơn nam giới. Còn trẻ em gái thì thường sẽ giúp đỡ bố mẹ nhiều việc hơn, biết chăm sóc các em và làm các việc phụ trong gia đình…”. Thực hiện nhiệm vụ chuyên trách dân số đã được hơn 5 năm, chị Quỳnh đã chứng kiến nhiều cảnh éo le mà phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục. Bởi vậy, chị muốn góp sức vào việc thay đổi nhận thức của người dân, biết san sẻ gánh nặng công việc với phụ nữ nói chung và bảo vệ trẻ em gái nói riêng.

Bác sĩ Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng nhiều trẻ em gái, trong đó chủ yếu là trẻ em người dân tộc thiểu số nghỉ học sớm, kết hôn khi chưa đủ tuổi; điều đó khiến các em ít có cơ hội học tập và phát triển. Vì vậy, mục đích mà ngày Quốc tế trẻ em gái muốn mang lại là tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn.

Trong 9 tháng đầu năm, hoạt động truyền thông được triển khai rộng khắp với hơn 800 lần phát thanh trên hệ thống loa và gần 1.200 lần tại các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề về các nội dung: Giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) và kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên, bình đẳng giới trong CSSKSS, phòng chống bạo lực gia đình, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Cùng với đó, truyền thông trên nền tảng internet, mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok, youtube của Tổng cục Dân số - KHHGĐ và Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cũng được đẩy mạnh.

Việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số đã có sự tác động tích cực đến nhận thức và hành động của người dân. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, nhiều người dân trong tỉnh không còn nặng nề trong việc sinh con trai hay con gái, họ đã có cái nhìn rất bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Vì vậy, trẻ em trai và trẻ em gái đều được tạo mọi điều kiện để được vui chơi, học tập, được phát triển cả về thể chất và tinh thần.

Chị Phạm Thùy Linh, tổ dân phố 6, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) hiện có 2 con gái cho biết: “Vợ chồng tôi không có ý định sinh thêm con bởi theo chúng tôi, sinh con gái hay trai không quan trọng bằng việc chăm sóc, nuôi dạy để các con phát triển khỏe mạnh và trở thành những công dân có ích cho xã hội”. Không chỉ riêng lớp trẻ, nhiều người cao tuổi cũng đã không còn tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” và gây sức ép cho thế hệ con, cháu về việc sinh con trai nối dõi.

Với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Ngày Quốc tế Trẻ em gái năm 2021, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã tích cực truyền thông, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái.

Bên cạnh đó, Chi cục còn tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 104/2013/NĐ ngày 16/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số...; tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; từng bước vận động, làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top