Sử dụng xe máy điện: Người bán, người mua đều chưa nắm luật

00:00 - Thứ Tư, 28/05/2014 Lượt xem: 691 In bài viết
Chỉ còn 3 ngày nữa, xe máy điện bắt buộc phải đăng kí biển kiểm soát mới được phép lưu thông theo Thông tư 15 của Bộ Công an. Nhưng trên thị trường, cả người bán hàng và người sử dụng phương tiện còn rất mơ hồ về quy định này.

Người dân vui vẻ đến đăng kí xe máy điện tại phòng CSGT CATP Hà Nội.

Theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA, từ ngày 1-6 tới đây, xe máy điện và các loại xe có kết cấu tương tự phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, tại các cửa hàng bán xe máy điện trên địa bàn thành phố Hà Nội, còn rất nhiều chủ cửa hàng chưa nắm rõ quy định này. Về phía người mua hàng, rất ít khách hàng phân biệt được loại xe mình mua là xe máy điện hay đạp điện. Khi được hỏi về cách phân biệt giữa xe máy điện và xe đạp điện, anh Trần Văn Thành, chủ một cửa hàng xe máy điện trên phố Chùa Láng đã đưa ra một khái niệm rất mơ hồ: “Xe máy điện là loại xe lớn, yên rộng, không có bàn đạp, còn xe đạp điện là loại nhỏ hơn và có bàn đạp”.

Chị Trịnh Minh Hải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đi đến phòng CSGT tại 86 Lý Thường Kiệt để làm thủ tục đăng kí xe máy điện lo lắng cho biết: “Chiếc xe máy điện này tôi đã mua cách đây hơn hai năm rồi nên tôi không còn giữ hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính và giấy tờ nguồn gốc của chiếc xe. Vì vậy, khi đến đây làm thủ tục đăng kí biển kiểm soát, tôi lại phải ra về”.

Đối tượng sử dụng xe máy điện phần lớn là học sinh, sinh viên.

Cũng như chị Hải, anh Đào Quang Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện đang sở hữu chiếc xe máy điện ECO-108 (AirBlade) cho biết, chiếc xe này anh mua cách đây một năm trên phố Huế. Vì nghĩ đơn giản xe máy điện thì không cần đăng ký biển kiểm soát nên anh đã không yêu cầu cửa hàng trả hóa đơn đỏ, nên đến thời điểm này khi biết tin xe mình đang sử dụng thuộc diện phải đăng ký nhưng anh Minh vẫn không thể đi đăng ký xe được.

Liên quan đến vấn đề này, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cho biết, những xe máy điện được mua trước ngày 1/7/2009, nếu không còn giữ hóa đơn, chứng từ mua bán người dân có thể làm đơn lên phường, xã nơi cư trú để xác nhận về tình trạng sử dụng xe và đi đăng ký theo quy định. Còn những xe mua sau ngày 1/7/2009 bắt buộc phải có giấy tờ mua bán hợp lệ theo quy định mới được cơ quan công an cấp đăng ký. “Luật GTĐB 2008 đã quy định rõ xe máy điện phải được đăng ký. Các chế tài xử phạt với loại xe này sẽ áp dụng như xe gắn máy có dung tích 50cm3” - ông Tuấn nói.

Khó có thể phân biệt đâu là xe máy điện, đâu là xe đạp điện.

Tình trạng không hóa đơn, thậm chí người mua xe đạp điện, xe máy điện không lấy hóa đơn thì sẽ gặp khó khi làm thủ tục đăng ký khá phổ biến mà cơ quan đăng ký cần phải “gỡ”, nếu không muốn một lượng lớn phương tiện “ngoài luồng” do không thể đăng ký được vẫn lưu thông trên đường.

Theo Điều 3, Nghị định 171/2013/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014), xe máy điện và xe đạp điện được hiểu như sau:

- Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. 

 

- Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).

Theo HNM
Bình luận
Back To Top