Chủ động phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 3

15:24 - Thứ Năm, 18/08/2016 Lượt xem: 3912 In bài viết
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sau cuộc họp vào chiều tối 17/8, hiện nhiều địa phương đang gấp rút chuẩn bị ứng phó với bão số 3 với mục tiêu hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Bản tin báo bão khẩn cấp của Trung tâm DBKTTV Trung ương dự báo trong 24 giờ tới (kế từ 10 giờ ngày 18/8), bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và còn tiếp tục mạnh thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

 

Hướng di chuyển của bão số 3 (bải tin lúc 10 giờ sáng 18/8).

Đến 10 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông trên vùng biển Quảng Ninh-Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12-14.

Dự báo bão số 3 sẽ gây mưa lớn ở khu vực các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra và khi gặp triều cường lớn có thể gây nhiều thiệt hại nếu công tác chuẩn bị ứng phó không khẩn trương tích cực. Vì vậy, nhiều địa phương đang gấp rút chuẩn bị ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

 

Lãnh đạo thị xã Quảng Yên chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3.

Tại Quảng Ninh, ngay trong sáng nay (18/8), UBND tỉnh ban hành công điện yêu cầu các ban, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện việc ứng phó với bão. Theo đó, phải theo dõi chặt chẽ thông tin về cơn bão này để phổ biến đến tận thôn, xóm, khu phố; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; từ 13 giờ ngày 18/8, cấm xuất bến tàu thuyền tham quan vịnh Hạ Long…

Ngay trong sáng 18/8, lãnh đạo chính thị xã  Quảng Yên, TP. Móng Cái, huyện Đầm Hà, Hải Hà… đã đi kiểm tra thực địa toàn bộ các công trình thủy lợi, đê điều và cống tiêu thoát nước và chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng tránh bão…

Hiện thị xã Quảng Yên đã kêu gọi được 2.683 tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn; thông báo cho trên 4.000 tàu thuyền biết hướng đi của bão; kêu gọi các hộ nuôi trồng thủy sản ngoài đê vào đất liền, đồng thời tổ chức ứng trực 24/24h..

TP. Móng Cái đã thông báo cho các khu công nghiệp, nhà máy, chợ, trung tâm thương mại, các tàu thuyền diễn biến của bão; chuẩn bị vật tư ứng phó với bão; sẵn sàng di dân tại các vùng có vị trí xung yếu trên địa bàn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, các đơn vị công an, quân đội, biên phòng chủ động phòng chống bão.

Huyện Đầm Hà đã thông báo cho chủ 338 tàu thuyền với 915 lao động; 852 ô lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển của 42 hộ dân thông tin về diễn biến, tình hình của bão số 3 để về nơi tránh trú bão; rà soát và có phương án di dời 71 hộ có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét …

Tính đến 11h ngày 18/8, huyện Hải Hà đã thông báo cho toàn bộ 912 tàu thuyền về thông tin của bão số 3 và kêu gọi về nơi tránh trú.

Trước diễn biến của bão số 3, tại TP. Hạ Long, rất nhiều tàu đánh cá, tàu chở hàng đã về nơi tránh trú bão an toàn.

 

Tàu chở hàng tránh trú bão trong vịnh Hạ Long sáng 18/8.

Nam Định là một trong những địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, mưa lớn kết hợp với triều cường có nguy cơ đe dọa an toàn đến toàn bộ hệ thống để biển, đê sông của tỉnh.

Sáng nay (18/8), Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai ngay các biện pháp ứng phó bão số 3.

Công điện nêu yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung triển khai phòng chống bão từ chiều ngày 18/8. Tăng cường thông tin tuyên truyền về diễn biến, hướng di chuyển của bão, giữ vững liên lạc, sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh rà soát, kiểm đếm kêu gọi, yêu cầu các loại tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú bão trước 14 giờ ngày 18/8; cấm tất cả tàu thuyền ra khơi từ 14 giờ ngày 18/8/2016; người sản xuất trên biển vào bờ trước 8 giờ ngày 19/8; cấm các hoạt động tham quan du lịch ở khu vực bãi biển, cấm tắm biển từ 8 giờ ngày 19/8…

TP. Nam Định thực hiện nghiêm việc tổ chức sơ tán dân ở các nhà yếu, nhà tạm sang các nhà cao tầng, kiên cố trước 10 giờ sáng mai (19/8)…

 

Nam Định khẩn trương ứng phó bão số 3.

Hiện tỉnh Thái Bình cũng đang gấp rút chỉ đạo các địa phương, nhất là hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy khẩn trương đưa người dân sống ngoài đê chính vào tránh trú bão an toàn; tuyệt đối không để người dân ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ.

Tính đến  7 giờ ngày 18/8, TP. Thái Bình đã di dời được 160 hộ dân với khoảng 360 người trong các nhà yếu, nhà xuống cấp đến nơi an toàn. Lực lượng Biên phòng tỉnh đã liên hệ và kêu gọi được 1.248/1.293 tàu thuyền vào neo đậu tại các bến trong tỉnh…

Cũng trong sáng 18/8, tỉnh Thái Bình đã thành lập nhiều đoàn công tác đi xuống địa đôn đốc việc ứng phó bão số 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Tiền Hải, Thái Thuỵ , Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hai huyện ven biển khẩn trương vận động, đưa người dân hoạt động tại các chòi ngao, tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1, nhà máy và các công trình xây dựng cần chủ động phương án chằng chống, bảo vệ tài sản, công trình, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra.

 

Tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị trực tuyến ứng phó bão số 3 sáng 18/8.

Tại tỉnh miền núi Điện Biên, chủ động đối phó với diễn biến của mưa, lũ, sạt lở đất do ảnh hưởng của cơn bão số 3, cơ quan chức năng của tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến mưa, lũ để thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, thôn, bản và người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất để chủ động phòng tránh; kiểm tra, rà soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực trũng thấp để có phương án chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng đối phó với tình huống xấu xảy ra…

Tại Lào Cai, dự báo báo số 3 có thể sẽ gây mưa to vào đêm 19 ngày 20/8, cơ quan chức năng địa phương yêu cầu các cấp chính quyền và nhân dân, nhất là khu vực vùng núi cần đề phòng lũ lớn trên các sông, suối nhỏ và vừa, lũ quét, sạt lở đất đá.

Nơi vùng trũng, khu vực thấp ven các sông suối phòng ngừa ngập úng. Di dời hết các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; bố trí canh gác  các ngầm tràn trên mọi tuyến đường; nghiêm cấm mọi người vượt ngầm lúc lũ đang về; chủ các hồ chứa, các đập thủy điện thông tin kịp thời việc xả nước để khu vực hạ lưu có phương án phòng tránh…

 

Bộ đội biên phòng Nghệ An giúp ngư dân chằng néo tàu thuyền.

Tại Nghệ An, ngày 18/8, huyện Quỳnh Lưu đã yêu cầu các xã vùng biển trên địa bàn kêu gọi, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi nhằm giảm thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Trung tá Nguyễn Ngọc Quý (Trạm kiểm soát Lạch Thơi, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận) cho biết đến sáng nay (18/8), tổng số tàu thuyền đang cập cảng là 294 chiếc, đạt 100 %.

Quỳnh Lưu là huyện có số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh Nghệ An với  1.275 chiếc. Hiện nay, tất cả các phương tiện đều đã về neo đậu tại 2 cảng Lạch Quèn, Lạch Thơi an toàn.

Tại huyện Diễn Châu, tính đến sáng nay (18/8), có 1.446 phương tiện tàu thuyền đã về bến neo đậu an toàn. Huyện Diễn Châu yêu cầu 9 xã vùng ven biển tập trung thực hiện phương án ứng phó, đồng thời  nghiêm cấm ngư dân ra khơi.

Ở thị xã Hoàng Mai, công tác phòng chống cơn bão số 3 đang được địa phương tích cực triển khai. Hiện trên 1.000 phương tiện tàu thuyền đã cập cảng Lạch Cờn an toàn. Bộ đội biên phòng  đã chủ động phối hợp với dân quân tự vệ phường Quỳnh Phương tiến hành kiểm đếm và liên lạc trực tiếp với các tàu đang hoạt động, nhanh chóng thông báo về bão để về nơi tránh trú bão an toàn.

Theo Chinhphu
Bình luận
Back To Top