Cảnh báo với chiêu thức lừa đảo trúng thưởng mới

10:30 - Thứ Sáu, 19/08/2016 Lượt xem: 4471 In bài viết
ĐBP - Với chiêu thức lừa trúng thưởng, nhưng lại không chi trả bằng tiền mặt mà chuyển đổi sang hiện vật với giá trị cao hơn, rồi yêu cầu khách hàng nộp vào một khoản tiền nhất định; song khi giao hàng lại thay thế sản phẩm tư vấn bằng sản phẩm có giá trị thấp hơn, để chiếm đoạt số tiền chênh lệch. Trong thời gian vừa qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã bị lừa đảo một cách ngoạn mục mà đành ngậm “trái đắng” vì không biết kêu ai.

Vừa qua, chị L. T. H., trú tại tổ 16, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) nhận được cuộc điện thoại từ số máy 0838664222. Người gọi tự giới thiệu là Như, nhân viên của kênh mua sắm Home shopping tivi thông báo: chị H. là một trong 10 khách hàng may mắn trúng thưởng 5 triệu đồng từ chương trình tri ân của công ty nhân dịp 5 năm thành lập. Nhân viên tên Như này cũng cho biết công ty không trao thưởng bằng tiền mặt mà yêu cầu chị H. lựa chọn 1 trong 2 sản phẩm: điện thoại Samsung Galaxy A8 hoặc máy tính bảng, mỗi sản phẩm có giá trị gần 10 triệu đồng. Theo lời giới thiệu của nhân viên công ty, chị H. đã chọn nhận quà là chiếc điện thoại Sam Sung Galaxy A8, với giá trên thị trường là hơn 8 triệu đồng. Như vậy, với 5 triệu đồng đã trúng thưởng, để nhận được quà chị H. phải trả thêm số tiền chênh lệch là hơn 3 triệu đồng.

 

Chiếc điện thoại MIQ A8 có giá trên thị trường hơn 1 triệu đồng mà khách hàng nhận được.

Bán tín bán nghi, chị H. có ý từ chối, nhưng nhiều lần sau đó số máy này vẫn tiếp tục gọi, thuyết phục và cam kết sản phẩm quà tặng là hàng chính hãng 100% và được bảo hành toàn quốc, sợ bỏ lỡ cơ hội, chị H. đã gật đầu đồng ý. Trong quá trình trao đổi, chị H. rất cẩn thận và có nói rõ với bên bán hàng, nếu sản phẩm nhận được là hàng giả thì chị không nhận hàng. Nhân viên này đồng ý và trả lời nếu là hàng giả, kém chất lượng sẽ được đổi trả.

Tuy nhiên, đến ngày nhận hàng, chị được yêu cầu phải thanh toán đủ số tiền hơn 3 triệu đồng mới được mở. Sau khi đảm bảo các yêu cầu, chị H. được mở hàng và tá hỏa khi thấy sản phẩm bên trong không phải Sam Sung Galaxy A8 như tư vấn, mà thay vào đó là chiếc điện thoại Trung Quốc mang nhãn hiệu MIQ A8. Nghi ngờ về giá trị thật của chiếc điện thoại, chị H. đã mang ra cửa hàng buôn bán điện thoại gần nhà thì được biết, nó chỉ có giá hơn 1 triệu đồng. Bức xúc vì bị lừa, chị H. đã liên lạc lại với số điện thoại gọi cho mình ban đầu, nhưng chỉ nhận được sự “lật lọng” từ cô nhân viên tư vấn ngày nào, khi không thừa nhận nội dung đã quảng cáo mà khẳng định lỗi là do chị H. đã nghe nhầm các thông tin về sản phẩm.

Vẫn các chiêu thức tương tự, ngày 12/8 vừa qua, số máy trên lại tiếp tục liên hệ với anh Trần Quốc Hưng, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Tuy nhiên, anh Hưng có phần sáng suốt hơn. Anh cho biết: “Ngay từ ban đầu tôi đã hoài nghi vì gia đình chưa bao giờ mua sắm sản phẩm ở kênh mua sắm Home shopping tivi thì làm sao lại trúng thưởng chương trình tri ân khách hàng ở đây?!”. Tuy nhiên, do tò mò muốn biết thực hư sự việc nên anh Hưng vẫn đồng ý nhận quà.

Sau nhiều lần thông tin qua lại check sản phẩm và địa chỉ giao hàng, ngày 18/8, khi nhân viên bưu điện đến giao hàng, thấy trên hóa đơn chỉ ghi tên mặt hàng theo kiểu “lập lờ” là điện thoại A8 (mà không rõ ràng là Sam Sung A8 như tư vấn), mặt khác địa chỉ người gửi lại ghi tên Công ty TNHH Công nghệ kỹ thuật Phong Vũ, có địa chỉ ở TP. Hồ Chí Minh (không phải kênh mua sắm Home shopping tivi như giới thiệu ban đầu). Ngay lập tức, anh Hưng đã ra trực tiếp Bưu điện tỉnh để trao đổi về đơn hàng; đồng thời gọi đến số điện thoại liên lạc trước đó để hỏi rõ. Tuy nhiên, nhân viên phía công ty này không giải thích và trả lời thẳng những thắc mắc của anh Hưng mà nói vòng vo khó hiểu, và một mực yêu cầu anh Hưng phải thanh toán tiền cho nhân viên bưu điện xong mới được mở hàng kiểm tra. Trước câu hỏi của anh Hưng là: “Nếu mở hàng mà không đúng sản phẩm như giới thiệu, công ty giải quyết như thế nào?”; thay vì trả lời rõ, cô nhân viên này lại cho rằng khách hàng đang làm khó và kết thúc cuộc trò chuyện bằng 1 câu ngắn gọn: “Khi anh thanh toán tiền rồi thì đó là sản phẩm của anh”. Bức xúc với lời giải thích không thỏa đáng và vô trách nhiệm của công ty, anh Hưng đã từ chối nhận hàng.

 

Anh Trần Quốc Hưng thắc mắc về đơn hàng với những ghi chú mập mờ mà anh từ chối nhận tại Bưu điện tỉnh. 

Cũng từ sự việc này của anh Hưng, các nhân viên Bưu điện ở đây cho biết: Thời gian gần đây trong quá trình giao hàng đã gặp nhiều trường hợp lừa đảo tương tự và thông tin trúng thưởng cũng được thông báo từ kênh mua sắm Home shopping tivi. Theo đó, nhiều khách hàng đã trở thành nạn nhận với những hoàn cảnh dở khóc dở cười. Tuy nhiên, do chỉ là đơn vị trung gian nhận vận chuyển hàng hóa, và ràng buộc bởi những nguyên tắc nghiệp vụ riêng nên không thể can thiệp vào giao dịch của khách hàng. Bởi theo nguyên tắc, đây là sự thỏa thuận giữa 2 bên giao và nhận, chính vì thế khi gặp các trường hợp tương tự, họ chỉ biết khuyên khách hàng không nên nhận hàng.

Phải khẳng định rằng, đây không phải là sự việc lừa đảo đầu tiên có liên quan đến trúng thưởng. Tuy nhiên, cách thức mà các đối tượng này sử dụng lại hoàn toàn mới. Khách hàng vẫn được nhận sản phẩm, nên nhiều người thiếu hiểu biết về công nghệ, nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa rất dễ bị lợi dụng lừa đảo mà không hề hay biết. Và khi đã “mắc bẫy” thì việc kiện cáo, hoặc đòi lại tiền gần như nằm ngoài tầm tay, do khách hàng không có bất cứ chứng cớ nào. Mặt khác, rõ ràng, trên giấy tờ đều cho thấy đây đơn thuần là thỏa thuận mua và bán giữa đôi bên. Chính vì vậy, trong trường hợp này, chỉ có khách hàng mới tự bảo vệ được chính mình, bằng cách mỗi người cần nâng cao cảnh giác với các thông tin thông báo trúng thưởng, giới thiệu sản phẩm... từ số máy lạ; đồng thời cũng phải sáng suốt hơn trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa từ xa, thông qua truyền hình, mạng internet, điện thoại... nếu như không muốn “ném tiền qua cửa sổ”.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top