Thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư theo Đề án 79

Gỡ khó từng bước

08:27 - Thứ Tư, 24/08/2016 Lượt xem: 2884 In bài viết
ĐBP - Đề án 79 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2012 nhằm ngăn chặn tình trạng di cư, giúp người dân an cư, lạc nghiệp. Tổng vốn thực hiện Đề án được Chính phủ phê duyệt là 1.552 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc; đến nay, kết quả thực hiện Đề án rất hạn chế.

 

Bản Mường Toong 5, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé được sắp xếp theo Đề án 79 nhưng đến nay vẫn chưa có điện, nước. Ảnh: Đức Duy

Tiến độ chậm

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án 79 tỉnh, tính đến ngày 27/7/2016, công tác triển khai thực hiện các phần việc của Đề án 79  so với yêu cầu chung còn chậm. Hiện nay các cơ quan chức năng đã xây dựng, phê duyệt được 38 phương án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư, đạt 93% so với kế hoạch. Trong đó, đã thực hiện di chuyển, sắp xếp ổn định cho 996 hộ để thành lập 31 bản mới và bố trí xen ghép, ổn định tại chỗ cho 6 bản. Tiến hành chia đất ở, đất sản xuất cho 626 hộ, 22 bản với định mức trung bình từ 130 - 160m2/hộ; chia đất sản xuất trung bình từ 1 - 2ha cho 294 hộ, 12 bản; đầu tư 136 dự án đường giao thông, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà lớp học, cầu kè bảo vệ khu dân cư...  Tại một số điểm bản mới thành lập, số hộ chuyển đến định cư đạt dưới 50% số hộ đăng ký như: Nậm Kè 2, xã Nậm Kè (13/34 hộ đến ở); Mường Toong 7, xã Mường Toong (11/26 hộ đến ở); bản Húi To 1, Húi To 2, xã Chung Chải đều có 7/30 hộ đến ở; bản Nậm Là 2, xã Mường Nhé (19/50 hộ đến ở)... Một số điểm bản: Nậm Kè 1, Tiên Tiến, Thống Nhất, xã Nậm Kè; Tân Phong, Mường Nhé 3, xã Mường Nhé không có hộ dân đăng ký chuyển đến.

Một trong những hạn chế lớn nhất là công tác quy chủ, lập phương án hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Đề án diễn ra rất chậm. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng mới hoàn thành GPMB 19/31 điểm bản, đạt 61,29% kế hoạch. Việc hỗ trợ đời sống và phát triển sản xuất đối với các điểm bản mới thành lập đã có đủ số hộ tới định cư diễn ra quá chậm. Trong đó một số điểm bản chưa thực hiện các nội dung hỗ trợ đời sống, hỗ trợ sản xuất như: Cà Là Pá, Cà Là Pá 1 (xã Leng Su Sìn); Huổi Thanh, Chuyên Gia 3 (xã Nậm Kè); Huổi Lích 1 (xã Pá Mỳ). Việc đầu tư xây dựng hạ tầng: Nước sinh hoạt, đường giao thông, nhà lớp học, thủy lợi, nhà văn hóa tại các điểm bản mới thành lập cũng triển khai rất chậm. Đến thời điểm hiện tại, 100% các bản mới thành lập thuộc Đề án chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như trong Đề án vạch ra. 

Nhiều nguyên nhân chủ quan

Theo ông Nguyễn Quang Sáng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 79 tỉnh, thì việc thực hiện Đề án 79 chậm tiến độ so với kế hoạch có nhiều nguyên nhân: việc quy hoạch, triển khai xây dựng hạ tầng các khu, điểm bản định cư mới thường xa trung tâm huyện lỵ; địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; công tác tuyên truyền vận động thực hiện Đề án của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã hội chưa nhận thức đúng đắn về mục tiêu, quy mô và các bước tiến hành Đề án; một bộ phận không nhỏ người dân thiếu thông tin về Đề án từ đó nghi ngờ tính hiệu quả bền vững của Đề án. Bên cạnh đó, công tác đo đạc, quy chủ, lập phương án đền bù GPMB; xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở; hỗ trợ đời sống và phát triển sản xuất... được thực hiện bởi nhiều sở, ngành, trong đó không ít đơn vị thiếu kinh nghiệm, nhân lực thực hiện dẫn đến tiến độ chậm nên ảnh hưởng tới lòng tin của người dân.

Một nguyên nhân cơ bản là việc thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thường diễn ra rất chậm; đặc biệt là khâu: tư vấn thiết kế, thẩm định dự án, phê duyệt dự án... Mà theo ý kiến của các chủ đầu tư thì lý do tại các sở, ngành chuyên môn mất thời gian quá nhiều cho khâu thẩm định. Trong khi đó, các đơn vị thẩm định lại cho rằng một số đơn vị được giao làm chủ đầu tư lúng túng và thiếu kinh nghiệm trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án; chất lượng công tác tư vấn, thiết kế kém nên khâu thẩm định chậm là... đương nhiên! Sự nhập nhằng trách nhiệm giữa các bên cũng thể hiện những hạn chế của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 79 từ khâu tổ chức thực hiện đến công tác đôn đốc kiểm tra, giám sát triển khai Đề án.

Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế cũng là nguyên nhân chậm tiến độ Đề án. Số hộ này không muốn tới các điểm bản mới, vì theo họ, các vùng đất này là đất đã khai phá từ lâu nên không màu mỡ bằng đất rừng tự tay họ chặt phá, vừa có gỗ làm nhà, đất đai lại màu mỡ. Do đó, khi được đề nghị đăng ký đến định cư tại các điểm bản mới họ thường đưa ra các yêu cầu rất khó đáp ứng trong tương lai gần, như: cấp cho mỗi hộ từ 3.000 - 5.000m2 ruộng nước; đảm bảo nước để họ phát triển ao nuôi cá... Bên cạnh đó, việc ngăn chặn, xử lý tình hình di dân tự do thời điểm từ sau ngày 30/4/2011 trên địa bàn huyện Mường Nhé còn nhiều hạn chế. Một số hộ trong diện thụ hưởng Đề án thấy dân di cư mới "hoành hành" khắp nơi nhưng không hoặc chưa bị xử lý nên họ chây ỳ tại nơi ở cũ, không thực hiện những cam kết đối với cơ quan thực hiện Đề án.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Nhằm thực hiện tốt Đề án 79, vừa qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan truyền thông cùng với các đơn vị được giao làm chủ đầu tư cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân trong thực hiện Đề án.

Ông Nguyễn Quang Sáng cho biết: Để triển khai hiệu quả các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong lập và tổ chức thực hiện dự án, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác tư vấn, thiết kế, thẩm định. Về đất sản xuất, Ban Chỉ đạo Đề án 79 tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tổng hợp chi tiết nhu cầu của các hộ dân trong diện thụ hưởng, từ đó tạo quỹ đất đáp ứng nhu cầu canh tác của nhân dân. Đối với những vùng đất đã được quy hoạch trồng cây cà phê, cao su nhưng chưa sử dụng đến, các cơ quan chức năng cần phối hợp xác định, thỏa thuận có thể bố trí thành đất sản xuất cho nhân dân. Cấp ủy, chính quyền cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Công an huyện... giải quyết triệt để các vụ tranh chấp đất đai, đặc biệt là đất sản xuất tại các điểm bản mới. UBND huyện Mường Nhé khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau khi các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, hồ sơ. Đồng thời chú trọng thực hiện các phương án hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất; đặc biệt là hỗ trợ gạo cho người dân những bản mới thành lập nhưng chưa bố trí được đất sản xuất.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top