Điện Biên Đông

Mưa lũ gây sụt sạt, ách tắc nhiều tuyến giao thông

08:33 - Thứ Tư, 24/08/2016 Lượt xem: 2660 In bài viết
ĐBP - Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, số 3 từ đầu tháng 8 đến nay mưa lớn gây nhiều thiệt hại cho mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Điện Biên Đông. Theo ước tính sơ bộ của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, tính đến ngày 20/8, tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các công trình giao thông toàn huyện lên tới hàng chục tỷ đồng; một số tuyến đường bị sạt lở, vùi lấp gây ách tắc giao thông cục bộ...

Hàng loạt tuyến giao thông sụt sạt, tắc nghẽn

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông, hiện nay, toàn huyện có 309km đường giao thông do huyện quản lý, nằm trên 13 tuyến chính. Trong đó có 99,9km đường rải nhựa (đạt 32,3%); 21,4km đường bê tông xi măng (6,9%); 128,2km đường rải cấp phối (41,4%) và 59,5km đường đất (19,4%). Toàn huyện có 581km đường dân sinh do xã, bản quản lý nối trung tâm xã với các bản và nối các bản với nhau. Đến nay trên địa bàn vẫn còn 7/246 bản ô tô chưa đến được do những tuyến đường này chưa được đầu tư xây dựng cầu qua suối. Hầu hết các tuyến đường nằm trên các sườn đồi, qua nhiều khe suối nhỏ, mùa mưa lũ hàng năm thường xảy ra sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông. 

 

Mưa lũ gây sụt sạt vùi lấp mặt đường tại km3 tuyến đường Phì Nhừ - Chiềng Sơ.

Trong nửa đầu tháng 8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông xảy ra nhiều trận mưa lớn kéo dài gây lũ ống, lũ quét cục bộ làm trôi nhiều ruộng vườn, gia súc, gia cầm, hoa màu của nhân dân; phá hỏng nhiều hạng mục công trình hạ tầng, trong đó có nhiều công trình cầu, cống, sạt lở gây ách tắc giao thông hầu hết các tuyến đường từ trung tâm huyện tới trung tâm các xã, cụm xã trong huyện. Điển hình là tuyến: Na Son - Sa Dung - Mường Lạn (dài 35km) có tới 50 điểm sụt sạt. Trong đó, ngầm Na Phát (ngầm lớn nhất trên tuyến) bị mưa lũ cuốn trôi hầu hết phần kết cấu chính; một số đoạn trên tuyến đất, đá sụt sạt vùi lấp hàng trăm mét khối; dự ước tổng khối lượng sụt sạt toàn tuyến trên 6.000m3; giao thông toàn tuyến gần như trong tình trạng tê liệt. Tại tuyến đường ngã tư Phì Nhừ - Sa Dung (17km) và ngã tư Phì Nhừ - trung tâm xã phì Nhừ (6,8km) có trên 20 điểm sụt sạt, với tổng khối lượng đất đá sụt sạt dự ước gần 6.000m3. Trước ngày 18/8, xã Sa Dung bị cô lập hoàn toàn với các địa phương khác trong huyện.

Với tổng chiều dài hơn 10km, tuyến đường Phì Nhừ - Chiềng Sơ có 41 điểm sụt sạt, dự ước tổng khối lượng sụt sạt 6.000m3; các điểm sụt sạt khối lượng lớn tại địa bàn các bản: Háng Hợp, Páo Sinh (xã Phì Nhừ); Co Muông, Háng Tầu, Thẩm Chẩu (xã Chiềng Sơ). Trên tuyến: Pá Vạt (Mường Luân) - Háng Lìa - Tìa Dình (23km), có 53 điểm sụt sạt, trong đó có nhiều điểm sụt sạt lớn: km 13,1; km 7; km8... với tổng khối lượng sụt sạt ước gần 4.000m3

Ngoài tàn phá kết cấu cơ sở hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, mưa lũ còn gây thiệt hại lớn cho các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, hàng trăm héc ta lúa, hoa màu bị ngập úng hoặc bị đất, đá, bùn vùi lấp; hàng trăm ao cá của người dân bị lũ cuốn trôi... Mưa lũ cũng ảnh hưởng tới việc huy động học sinh hệ mầm non tới trường thực hiện kế hoạch giáo dục năm học 2016 - 2017.

Cần sớm khắc phục

Ông Vừ A Chu, cán bộ Địa chính - Xây dựng xã Phì Nhừ cho biết: Triển khai kế hoạch phòng, chống bão lũ trên cơ sở tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”, chính quyền xã đã hướng dẫn: sụt sạt do mưa lũ gây ra tại khu vực bản nào thì bản đó huy động người dân tham gia hót sụt sạt, làm lối đi tạm nhằm đảm bảo giao thông thông suốt. Năm nay, xã Phì Nhừ mưa lũ gây sụt sạt nhiều đất, đá nên người dân các bản: Háng Trợ, Páo Sinh... phải bỏ nhiều công sức thông đường. Tuy vất vả nhưng người dân vẫn nỗ lực, bởi thông đường không những giải quyết nhu cầu đi lại mà còn thông thương mua bán lương thực, thực phẩm. Hiện nay, đang là thời điểm thu hoạch ngô vụ mùa, nếu tắc đường, tư thương không thể đến tận bản để mua, dẫn đến việc thu hoạch cũng như tiêu thụ sẽ khó khăn hơn, người dân sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Người dân trên địa bàn rất mong Nhà nước, các cấp, ngành khẩn trương xử lý các điểm sạt lở, làm lại mặt đường để giao thông thông suốt.

Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình -  một trong những xã bị cô lập từ đầu tháng 8 bởi mưa lũ cho biết: Cán bộ, giáo viên và người dân xã Tìa Dình mong mỏi tuyến đường vào trung tâm xã sớm được khắc phục, đảm bảo phương tiện thông suốt nhằm tránh tình trạng tắc đường lâu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: muối, mắm, mì tôm, các loại thực phẩm... tăng giá. Bên cạnh đó, người dân có thể bán các sản phẩm nông nghiệp đang trong thời kỳ thu hoạch như ngô mùa.

Hiện nay, UBND huyện Điện Biên Đông đang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm đếm, khảo sát, đo đạc, xác minh khối lượng đất đá sụt sạt tại các cung đường trình cơ quan có thẩm quyền bố trí ngân sách tu sửa, tôn tạo đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của nhân dân.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top