Đào tạo nghề theo nhu cầu

Để đưa định hướng thành thực tế

08:43 - Thứ Tư, 24/08/2016 Lượt xem: 2473 In bài viết
ĐBP - Năm 2016, tổng chỉ tiêu đào tạo nghề của tỉnh (theo Quyết định 1386/QĐ-UBND ngày 14/12/2015 của UBND tỉnh) là 8.000 người, được phân bổ cho các huyện, thị, thành phố. Trong đó, đào tạo dài hạn tập trung (trình độ: cao đẳng, trung cấp) chiếm trên 5%, còn lại là các lớp sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho các đối tượng là lao động nông thôn (LĐNT), người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ… Những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người học nghề đã được triển khai cụ thể, tuy nhiên, để đào tạo nghề theo nhu cầu người học, nhu cầu xã hội và mang lại hiệu quả thiết thực thì vẫn còn có những khó khăn.

 

Học viên lớp sửa chữa ô tô, Trường Cao đẳng Nghề tỉnh học trên sa bàn.

Theo hướng dẫn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cần tiếp tục nhân rộng các mô hình đã thí điểm, tạo ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế, tận dụng thời gian nông nhàn, nguyên liệu sẵn có tại địa phương; đào tạo tại vùng chuyên canh, thôn, bản, xã; gắn đào tạo với liên kết sản xuất, tạo việc làm cho LĐNT và xây dựng nông thôn mới. Đối với đào tạo nghề nông nghiệp, ưu tiên cho nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, có hợp đồng liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; nông dân tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình giảm nghèo (Chương trình 135, 30a) và các chương trình, đề án khác. Đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp, tập trung tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động hoặc tổ chức việc làm cho LĐNT theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, cơ sở dạy nghề cần áp dụng linh hoạt chương trình đào tạo để khi kết thúc khóa học, người lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh và tham gia xuất khẩu lao động. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo và nhu cầu của người học. Tập trung đào tạo những nghề gắn với định hướng phát triển, quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương và Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo tối thiểu đạt trên 80%. Ngành nghề đào tạo được bổ sung 17 danh mục nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho LĐNT trên địa bàn tỉnh (trừ các nghề: tin học văn phòng, lái xe cơ giới đường bộ, y tế thôn bản). Ngoài ra, đối với các nghề chưa có trong danh mục nghề theo quy định của tỉnh nhưng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều LĐNT có nhu cầu... UBND cấp huyện chủ động đề xuất bằng văn bản với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Mặc dù định hướng, mục tiêu dạy nghề cho LĐNT của tỉnh trong năm 2016 và giai đoạn tiếp theo đã được hoạch định cụ thể, tuy nhiên, chế độ chi trả thù lao cho người dạy nghề lưu động tại vùng sâu, vùng xa còn thấp, chưa thu hút được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi cùng tham gia dạy nghề, truyền nghề. Trên địa bàn tỉnh chưa có các khu công nghiệp, số lượng doanh nghiệp ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu tuyển dụng lao động thấp, chưa thu hút được người lao động tham gia học nghề phi nông nghiệp.

Ông Trang A Lử, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Phải thừa nhận một thực tế rằng, chính quyền, đoàn thể một số xã nghèo chưa thực sự coi trọng công tác đào tạo nghề cho LĐNT; bà con sản xuất, canh tác theo thói quen, kinh nghiệm là chủ yếu. Qua điều tra, khảo sát ngẫu nhiên 3 xã trên địa bàn huyện là: Hừa Ngài, Na Sang và Ma Thì Hồ, chỉ có 14,75% LĐNT có nhu cầu học nghề. Người có nhu cầu học tập trung chủ yếu vào các nghề như: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, gà, gia cầm; sửa chữa xe máy; kỹ thuật trồng nấm và kỹ thuật xây dựng. 100% người học nghề có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên việc vay vốn để làm nghề sau khi được đào tạo của người lao động còn gặp khó khăn do nguồn vốn giải quyết việc làm quá ít, hồ sơ vay vốn không đáp ứng. Đó là nhu cầu của người học, còn về nhu cầu xã hội, trong lĩnh vực phi nông nghiệp, hiện nay nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp còn rất hạn chế, chỉ tập trung vào các công việc lao động phổ thông đơn giản, không đòi hỏi trình độ; lĩnh vực nông nghiệp thì cả tỉnh nói chung và Mường Chà nói riêng, hiện nay chưa có vùng chuyên canh, mô hình trang trại theo hình thức công nghiệp hóa (cả tỉnh có 1 trang trại được công nhận đủ tiêu chuẩn). Sau 6 năm thực hiện Đề án Dạy nghề cho LĐNT, trên 63% học viên học nghề đã có việc làm; chất lượng đội ngũ giáo viên và người dạy nghề tại Trung tâm dạy nghề huyện từng bước được củng cố. Hạn chế hiện nay là huyện chưa có cán bộ chuyên trách theo dõi công tác dạy nghề thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; việc theo dõi công tác dạy nghề ở các cấp đều là kiêm nhiệm, chưa có kinh nghiệm về nghiệp vụ quản lý và tư vấn chọn nghề, tìm việc làm cho lao động tại địa bàn.

Để triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho LĐNT, công tác đào tạo cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phân công rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp cho người lao động, đội ngũ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động. Chỉ khi người dân hiểu rõ, nhận thức đầy đủ về học nghề để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình thì họ mới tích cực tham gia học nghề.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top