Vấn đề tuần này

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ

08:49 - Thứ Năm, 29/09/2016 Lượt xem: 5369 In bài viết
ĐBP - Người xưa có câu “Nhất thủy, nhì hỏa” để nói rằng, mỗi khi xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Mặc dù đã có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, nhưng mỗi khi xảy ra cháy nổ, việc tiếp cận hiện trường kịp thời, nhanh chóng để xử lý không đơn giản. Kinh tế phát triển, ngày càng có nhiều nhà cao tầng xây dựng lên, trong khi đó tỉnh ta chưa có xe thang phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nếu không may xảy ra cháy nổ tại các nhà cao tầng thì việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Địa hình đồi núi dốc, chia cắt bởi nhiều sông suối; trong khi mùa khô thường kéo dài, nguy cơ hỏa hoạn gây cháy rừng, cháy thảm thực vật, cháy đồi cao su... là rất cao.

Xác định tính chất, mức độ quan trọng của vấn đề này, thời gian qua, công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã được các cấp, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nên đã có những chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vẫn xảy ra 18 vụ cháy (cháy nhà 14 vụ; cháy rừng, thảm thực vật và diện tích trồng cây cao su 4 vụ), thiệt hại tài sản trên 6,2 tỷ đồng, 108,7ha rừng, cây cao su và thảm thực vật. Nguyên nhân là do việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác PCCC ở nhiều nơi chưa tốt. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác PCCC. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về công tác PCCC chưa cao...

Trước tình hình trên, để phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong công tác PCCC, góp phần kiềm chế và làm giảm sự cố cháy, nổ trên địa bàn tỉnh, đồng thời hưởng ứng kỷ niệm 15 năm “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” 04/10/2001 - 04/10/2016 và kỷ niệm 55 năm “Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy” 04/10/1961 - 04/10/2016, chúng ta cần thực hiện tốt và đề cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC đến mỗi người dân. Vì rằng, chỉ cần lơ là, mất cảnh giác, bất cẩn trong khi dùng lửa là có thể gây cháy. Có những vị trí, địa điểm sau khi xảy ra cháy nổ, lực lượng chuyên nghiệp kịp thời tiếp cận hiện trường để chữa cháy, nhưng có không ít nơi, do nhiều nguyên nhân khác nhau, xe cứu hỏa không thể vào được nên rất khó khống chế, dập tắt đám cháy, nhất là các đám cháy lớn, cháy xăng dầu, cháy nhà cao tầng, cháy rừng...

Một mặt, cần nâng cao nhận thức trong công tác PCCC. Việc PCCC không chỉ tham gia hưởng ứng vào ngày 04/10 hàng năm mà phải chú trọng thường xuyên, liên tục 365 ngày trong năm. Chủ động tham gia tìm hiểu các cuộc thi PCCC, CNCH để nâng cao nhận thức, tầm hiểu biết về PCCC, nhất là cách thoát nạn trong các đám cháy. Với công tác PCCC thì phòng ngừa, ngăn chặn là chính, còn mỗi khi đã xảy ra cháy, nổ, không ít thì nhiều đều gây thiệt hại về kinh tế. Một mặt, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH của các cấp, ngành; rà soát, bổ sung lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng theo đúng quy định của Luật PCCC. Do mỗi khi xảy ra cháy nổ thì người dân địa phương, lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng thường có mặt trước để dập đám cháy, còn lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cần phải có thời gian nhất định mới tiếp cận hiện trường được. Bên cạnh đó là xây dựng các phương án chữa cháy tại chỗ, tổ chức thực tập, diễn tập các phương án chữa cháy bài bản, sát thực tế để khi xảy ra cháy, nổ, người dân không bị động, bất ngờ.

Hiện nay, tại các cơ quan, đơn vị đã được trang bị hệ thống bình cứu hỏa, do vậy, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã... cần thường xuyên chỉ đạo kiểm tra hệ thống an toàn PCCC. Chú trọng kiểm tra công tác PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas, kho chứa vật liệu nổ công nghiệp, khu dân cư tập trung... Từ đó có giải pháp PCCC sát đúng; đồng thời nhắc nhở, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định PCCC.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top