“Nóng” tình trạng di cư tự do ở Chung Chải

09:19 - Thứ Sáu, 30/09/2016 Lượt xem: 2570 In bài viết
ĐBP - Là địa phương có diện tích rừng lớn, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp… nên thời gian qua, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) đã trở thành điểm đến lý tưởng của dân di cư tự do.

Hiện tại, Chung Chải có 15 bản và 1 điểm nhóm dân cư với 1.157 hộ, hơn 6.000 nhân khẩu. Trong đó, có 736 hộ, hơn 3.500 nhân khẩu là người dân sở tại; còn lại 421 hộ, hơn 2.400 nhân khẩu là dân tạm trú và chưa tạm trú. Theo thống kê của Công an xã, từ tháng 4/2011 đến tháng 5/2016, xã có 58 hộ với 292 nhân khẩu di cư từ các huyện: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Ảng và các tỉnh Lai Châu, Sơn La… đến sinh sống. Nhiều hộ dân di cư tự do đến địa phương nhưng không khai báo với UBND xã gây khó khăn trong công tác quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

 

Diện tích rừng ở bản Húi To (xã Chung Chải) bị dân di cư tự do phá để làm nương trồng lúa.

Vượt qua quãng đường gần 5km từ trung tâm xã Chung Chải, chúng tôi đến bản Xi Ma 2. Anh Sùng A Chứ, hiện trú tại bản Xi Ma 2, cho biết: Tháng 2/2016, anh rời quê hương (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) đến đây định cư cùng với 6 thành viên trong gia đình. Chuyển đến nơi ở mới, gia đình anh phải bán toàn bộ tài sản, gồm: đất đai, nhà cửa, vật nuôi, hơn 2 sào ruộng và 1.000m2 nương nhưng số tiền ấy cũng chỉ đủ mua vật liệu dựng một ngôi nhà gỗ tuềnh toàng và diện tích nhỏ đất sản xuất ở đây. Cuộc sống tạm bợ, bấp bênh khiến mấy đứa con chung cảnh bữa đói bữa no. Vì khó khăn, thiếu thốn nên anh Chứ cũng không mặn mà với việc học hành của 2 con Sùng A Số (13 tuổi) và Sùng A Nhưng (4 tuổi). Anh Chứ tâm sự: Gia đình cũng rất muốn các cháu được đi học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn và khi chuyển đến đây đã thất lạc giấy tờ tùy thân nên cháu lớn không thể nhập học được.

Không chỉ ảnh hưởng đến việc học hành của con trẻ, tình trạng di dân tự do còn tác động nhiều mặt đến sự phát triển của địa phương, nhất là tình trạng phá rừng làm nương. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 55 vụ phá rừng, ước tính thiệt hại 60ha rừng thuộc các bản: Nậm Khum, Nậm Sin và Đoàn Kết… Bởi vì hầu hết dân di cư tự do sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp nhưng không có đất sản xuất nên họ đã tìm đến những vùng xa xôi, hẻo lánh để phá rừng lấy đất canh tác. Anh Pờ Xì Hừ, Trưởng bản Xi Ma 1, cho biết: Bản Xi Ma 1 có hơn 40ha rừng nhưng trong 2 năm (2014 – 2015), dân di cư tự do đã phá mất hơn 30ha để làm nương. Các đối tượng phá rừng thường tập hợp thành từng nhóm, mỗi nhóm hơn 30 người. Đến đêm mới tiến hành phá rừng khiến cơ quan chức năng rất khó phát hiện. Vì là dân di cư tự do nên khi chính quyền địa phương phát hiện thì họ khai báo lung tung rất khó xác minh đối tượng chính xác để xử phạt. Từ việc thiếu đất sản xuất nên rất dễ phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực trên địa bàn như tranh chấp đất đai, gây mất trật tự an ninh, xã hội. Tình trạng di cư tự do không chỉ gây khó khăn trong việc quản lý, ổn định đời sống dân cư mà còn kéo theo một số hủ tục và tệ nạn xã hội như: mê tín dị đoan, nghiện hút… 

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải, cho biết: Tình trạng dân di cư tự do đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và là nguyên nhân gia tăng hộ nghèo trên địa bàn. Hiện nay, toàn xã có 1.157 hộ thì có đến 986 hộ nghèo. Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm, xã Chung Chải đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tổ chức để người dân ký cam kết không vận động, lôi kéo người thân từ các địa phương khác về đây sinh sống. Một mặt, thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng, người có uy tín ở các bản tăng cường kiểm tra, rà soát dân cư trên địa bàn. Khi phát hiện dân di cư tự do đến địa bàn thì báo cho chính quyền xã để thành lập các tổ công tác xuống tận nơi vận động người dân trở về nơi ở cũ. Đầu năm 2016, UBND xã Chung Chải đã tổ chức tuyên truyền cho trên 1.200 người dân của 15/15 bản về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hình sự; Nghị định số 158 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bầu cử... Kết quả, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động được 40 người từ Mường Toong 6, 7, 8 (xã Mường Toong) di cư vào địa bàn xã về nơi ở cũ.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top