Cần có giải pháp ngăn ngừa tình trạng tự tử

08:31 - Thứ Sáu, 14/10/2016 Lượt xem: 2986 In bài viết
ĐBP - Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), tính từ năm 2011 đến hết tháng 6/2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 402 vụ với 405 người tự tử và con số này đang có chiều hướng tăng theo từng năm. Nếu trong năm 2011 chỉ xảy ra 32 vụ thì đến năm 2015 có đến 94 vụ tự tử, tăng gấp 3 lần. Nếu không có các giải pháp cấp bách ngay lúc này, tình trạng tự tử trên địa bàn tỉnh sẽ trở thành vấn nạn trong thời gian tới.

Ngày 26/8, em Thào Thị Máy, 17 tuổi, trú tại bản Keo Lôm 1, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông ăn lá ngón tự tử và chết trước cổng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ thuộc tổ dân phố 7, thị trấn Điện Biên Đông. Qua xác minh, lực lượng chức năng cho biết thời gian qua em Thào Thị Máy có quan hệ tình cảm với một thanh niên cư trú cùng địa phương. Nhưng sau đó phát hiện người này đã có vợ con nên Thào Thị Máy ăn lá ngón tự tử.

Trước đó, vào ngày 6/6 tại địa bàn phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ, 1 vụ ghen tuông mù quáng đã xảy ra khiến ba người thương vong. Nạn nhân là chị Lò Thị Thơ (29 tuổi) trú tại xã Mường Tùng, huyện Mường Chà và anh Chảo Né Sênh (30 tuổi) trú tại xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, đối tượng là Lê Văn Giáp (33 tuổi, là chồng chị Lò Thị Thơ). Sau khi gây án, Giáp đã quay lại hiện trường và treo cổ tự tử. Đây chỉ là 2 vụ tự tử điển hình xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh khiến dư luận xôn xao, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.

Trao đổi về tình trạng tự tử xảy ra trên địa bàn tỉnh, Thượng tá Nguyễn Văn Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự cho biết: Do xã hội ngày càng phát triển, con người càng dễ bị nhiều sức ép, áp lực như gánh nặng công việc, cuộc sống khó khăn, học tập... Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân chủ quan đến từ chính các nạn nhân như, mâu thuẫn gia đình, thất tình, mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến căng thẳng tinh thần, cộng với sự thiếu quan tâm từ gia đình, người thân nên tình trạng tự tử hiện đang có những diễn biến phức tạp. Có những trường hợp tự tử vì những nguyên nhân rất nhỏ như: bị điểm kém, bố mẹ không mua điện thoại, không cho xem ti vi…

Trong số 402 vụ tự tử xảy ra trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến nay thì có đến 201 trường hợp (chiếm 50%) số vụ nạn nhân trong độ tuổi lao động (từ 18 - 40 tuổi) và đáng báo động hơn là trong số đó 125 trường hợp các nạn nhân dưới 18 tuổi. Hình thức tự tử nhiều nhất là ăn lá ngón với 185 trường hợp xảy ra tại huyện Điện Biên Đông; tiếp đó là tại địa bàn các huyện như Mường Chà, Mường Nhé và huyện Nậm Pồ. Đây cũng là các huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế đặc biệt khó khăn, nhận thức của người dân chưa đồng đều, một số hủ tục vẫn còn tồn tại... đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng tự tử diễn ra ngày càng gia tăng tại các địa bàn này.

Không chỉ tự tử cá nhân, trên địa bàn tỉnh cũng đã từng ghi nhận được một số vụ tự tử tập thể do những nguyên nhân tình ái, mâu thuẫn gia đình... Bên cạnh những nỗi đau để lại cho người còn sống, để lại những gánh nặng cho gia đình, xã hội khi hầu hết nạn nhân là những lao động chính trong gia đình và cũng gây ảnh hưởng đến ANTT. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm đã xảy ra 72 trường hợp và con số này sẽ chắc chắn không dừng lại ở đó nếu ngay lúc này chúng ta không có các giải pháp cấp thiết nhằm ngăn chặn tình trạng tự tử diễn ra.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Công Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã thường xuyên tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng, ứng xử trong các mối quan hệ; phòng chống bạo lực gia đình; tranh thủ người có uy tín trong dòng họ, thân tộc; tăng cường cơ sở giúp nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Song đây là một vấn đề mang tính chất xã hội sâu rộng, nên rất cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, có như thế mới giảm số vụ tự tử xảy ra trên địa bàn trong thời gian tới”. Một số huyện có số trường hợp tự tử cao như: Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé; chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, lực lượng công an, giáo dục và đào tạo đã có nhiều biện pháp cụ thể để ngăn ngừa tình trạng tự tử xảy ra như việc đẩy mạnh tuyên truyền tới từng thôn, bản, trong trường học; phát huy hiệu quả các mô hình tự quản, các tổ hòa giải tại các khu dân cư... Tuy nhiên, vẫn cần có một giải pháp cấp bách, toàn diện và đạt hiệu quả hơn nữa để kiềm chế tình trạng tự tử trên địa bàn trong những năm tiếp theo.

Lê Hoàng (Công an tỉnh)
Bình luận
Back To Top