Cuộc sống khó khăn của người Phù Lá ở Phình Sáng

09:01 - Thứ Năm, 27/10/2016 Lượt xem: 4079 In bài viết
ĐBP - Khúa Trá là bản vùng cao, xa trung tâm và nghèo đói nhất của xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo. Cả bản có 87 hộ dân, gồm 15 hộ người dân tộc Phù Lá và 63 hộ dân tộc Mông cùng chung sống. Cuộc sống người dân đặc biệt khó khăn.

Ông Giàng A Chừ, công an viên bản Khúa Trá cho biết: Ở bản Khúa Trá, cuộc sống người Phù Lá gặp nhiều khó khăn là do tệ nạn ma túy. Chia bình quân thì mỗi hộ có ít nhất một người nghiện ma túy. Thành quả lao động cả năm của gia đình không đủ nuôi một người nghiện nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, đều là hộ nghèo, nhưng hộ nghèo người Mông vẫn ở nhà gỗ, lợp prô xi măng, mỗi năm chỉ thiếu đói từ 1 – 2 tháng; còn hộ nghèo người Phù Lá thì ở nhà tranh, vách tre, nứa, mỗi năm thiếu đói 3 – 4 tháng, cá biệt có hộ thiếu đói đến nửa năm.

 

Hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Lò Văn Phớ, người Phù Lá bản Khúa Trá.

Cuộc sống người dân Phù Lá ở Phình Sáng chủ yếu phụ thuộc sản xuất lúa, ngô trên nương; chăn nuôi nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, do nghiện ma túy, nhiều hộ đã bán hết nương nên thiếu đất sản xuất. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lò Văn Phớ, một trong những hộ người Phù Lá đầu tiên đến sống tại bản Khúa Trá. Gia đình ông Phớ có 4 người, hiện đang chung sống trong một túp lều tuềnh toàng, rộng khoảng 10m2. Đầu năm 2016, sau một trận mưa to, giông lốc đã “đánh sập” ngôi nhà gỗ, nhưng do cuộc sống khó khăn, không đủ điều kiện dựng lại nhà mới nên ông Phớ phải dựng lều tạm để ở. Khi chúng tôi đến, vợ chồng ông Phớ đang chăm sóc đứa con gái út bị ốm. Ông Phớ cho biết: Trước đây, cuộc sống gia đình thuộc hạng trung bình của bản. Cả nhà có khoảng hơn 4ha nương, không năm nào bị thiếu đói. Từ năm 2003, tôi nghiện ma túy. Sau đó ít năm con trai cũng nghiện theo nên kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, trở thành hộ nghèo. Hiện nay, phần lớn diện tích nương đã bán, không còn đất sản xuất, đi làm thuê thu nhập không đáng bao nhiêu, mỗi năm gia đình tôi phải trông chờ nguồn gạo cứu đói của Nhà nước khoảng 4 - 5 tháng. Bây giờ, con ốm không có tiền đi bệnh viện; nhà bị đổ do mưa bão cũng không có tiền dựng lại.

Ngoài gia đình ông Lò Văn Phớ, bản Khúa Trá còn có 9 hộ người Phù Lá khác cũng có hoàn cảnh tương tự. Đất sản xuất không có, nghề phụ cũng không, cuộc sống khó khăn, những hộ dân này chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Không chỉ khó khăn về kinh tế, bản sắc văn hóa truyền thống của người Phù Lá cũng đang dần bị mai một. Cụ Hạng Thị Sáng, 60 tuổi, già bản người Phù Lá chia sẻ: Cách đây hơn 40 năm, chỉ có 4 hộ người Phù Lá chuyển đến bản Khúa Trá sinh sống, đến nay, đã tăng lên 15 hộ. Ngày trước, các cụ còn lưu giữ được những nét văn hóa, phong tục riêng của dân tộc. Nhưng con cháu bây giờ không còn giữ được nhiều bản sắc nữa mà thay vào đó là lai tạp những nét văn hóa của các dân tộc khác. Hiện nay, người Phù Lá ở Phình Sáng chỉ còn giữ được trang phục truyền thống của người phụ nữ nhưng chỉ mặc trong những ngày lễ, tết. Còn các sinh hoạt khác đều theo người Mông.

Ông Giàng A Dũng, Chủ tịch UBND xã Phình Sáng cho biết: Khúa Trá là bản đặc biệt khó khăn của xã Phình Sáng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, những năm qua, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như: hỗ trợ sản xuất, các mô hình phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… xã Phình Sáng luôn ưu tiên triển khai tại bản Khúa Trá, nhất là đối với người dân tộc Phù Lá. Tuy nhiên, người dân đều không thể phát triển và nhân rộng. Do đó, cuộc sống vẫn khó khăn, nghèo đói. Để nâng cao đời sống người dân bản Khúa Trá, trước hết phải loại bỏ tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng. Hiện nay, xã đang tập trung vận động những người nghiện ma túy đi cai nghiện và uống thuốc methadone tại Trạm Y tế xã. 

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top