Hai phương án tuổi nghỉ hưu

14:18 - Thứ Tư, 14/12/2016 Lượt xem: 8773 In bài viết
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, tuổi nghỉ hưu có thể giữ như hiện hành (nữ 55 tuổi, nam 60) hoặc tăng lên 60-62 tuổi.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có tờ trình Chính phủ dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lao động. Trong đó, Bộ đưa ra hai phương án tuổi nghỉ hưu: giữ như hiện hành (nam 60 và nữ 55 tuổi) và tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60. Việc tăng này được thực hiện theo lộ trình mỗi năm 3 tháng để đảm bảo vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến bố trí và sử dụng lao động.

 

Những nguyên nhân khiến quỹ hưu trí mất cân đối.

Lãnh đạo Bộ cho hay, đề xuất này dựa trên nhiều cơ sở: tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng so với giai đoạn trước, khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài, nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm; Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số. Đồng thời, nếu giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí đang mất cân đối.

Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu không nâng tuổi nghỉ hưu thì năm 2020, mức thu Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bằng mức chi và đến 2037, cán cân thu chi cân bằng, bao gồm cả kết dư quỹ, phải lấy ngân sách bù vào.

Ông Trần Đình Liệu, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phân tích, hiện nay tuổi thọ bình quân của người Việt là 73, thời gian bình quân đóng BHXH khoảng 25 năm, bình quân tuổi nghỉ hưu là 54 (nam 60, nữ 55 tuổi); thời gian hưởng lương hưu kéo dài khoảng 19-20 năm thì không quỹ nào chịu nổi.

"Với mức đóng và tỷ lệ đóng như hiện nay thì mức hưởng lương hưu của người Việt Nam chỉ khoảng 55 -60%, nhưng người lao động đang được hưởng tối đa 75%. Việc điều chỉnh mức hưởng của người lao động rất khó nên phải nâng tuổi nghỉ hưu lên", ông lý giải.

Dự án đang lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia và người dân. Tháng 1/2017, dự thảo Luật sẽ chính thức trình Thủ tướng và tháng 4/2017 trình Quốc hội.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top