Huyện Tuần Giáo chủ động phòng chống cháy rừng

10:09 - Thứ Sáu, 26/05/2017 Lượt xem: 9781 In bài viết
ĐBP - Bước vào mùa khô 2016 - 2017, thời tiết diễn biến bất thường, không khí khô hanh là điều kiện dễ gây ra cháy rừng. Vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Tuần Giáo tập trung cao độ.

Huyện Tuần Giáo có gần 39.000ha rừng, trong đó hơn 37.000ha rừng tự nhiên, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã: Ta Ma, Phình Sáng, Pú Xi, Mường Khong... Diện tích rừng lớn, địa bàn rộng và chịu ảnh hưởng mạnh của gió Lào khô hanh nên công tác PCCCR gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt đầu năm 2016 do ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại gây băng tuyết làm cây rừng gãy đổ dẫn đến tình trạng cháy rừng diễn ra ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện, gây thiệt hại gần 600ha rừng.

 

Người dân xã Mường Thín phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa, phòng chống cháy rừng.

Theo đánh giá của UBND huyện Tuần Giáo, mùa khô năm nay, do diễn biến phức tạp của thời tiết, diện tích rừng trên địa bàn huyện luôn ở cấp dự báo có nguy cơ cháy cao. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Huyện ủy, UBND huyện Tuần Giáo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR. Đồng thời, giao Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan thông tin của huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, PCCCR đến toàn thể cán bộ, công chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn huyện. Chỉ đạo 19/19 xã, thị trấn tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR giữa chủ tịch UBND các xã, thị trấn với UBND huyện. UBND huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Tuần Giáo giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR ở 19/19 xã, thị trấn; xây dựng lịch trực 24/24 giờ cho các thành viên Ban Chỉ đạo trong thời điểm mùa khô hanh. Các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức tuần tra và xử lý nghiêm các vụ phá rừng làm nương, vận chuyển lâm sản trái phép.

Ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo, cho biết: Bước vào mùa khô năm nay, Hạt Kiểm lâm chủ động kiểm tra, khoanh vùng các diện tích rừng có nguy cơ cháy cao để chỉ đạo và hướng dẫn người dân trong khu vực thực hiện nghiêm túc công tác PCCCR; đồng thời xác định các tình huống xung yếu và khó khăn riêng biệt để có hướng chỉ đạo kịp thời. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và kết hợp với các cuộc họp dân, Hạt Kiểm lâm huyện đã triển khai lồng ghép các thông báo nguy cơ cháy rừng, quy chế bảo vệ rừng, PCCCR đến người dân. Từ đầu mùa khô đến nay, lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn đã tuyên truyền tại 200/236 bản của 19 xã, thị trấn, với hơn 10.000 lượt người tham gia. Tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các văn bản có liên quan đến công tác bảo vệ rừng và PCCCR cho các trưởng thôn, bản, cán bộ chủ chốt của xã, thành viên các ban, đoàn thể của các xã. Củng cố, thành lập 200 tổ, đội xung kích PCCCR ở các thôn, bản với trên 200 thành viên tham gia.

Hạt Kiểm lâm huyện tích cực phối hợp với UBND huyện Tuần Giáo quan tâm kết hợp giữa bảo vệ rừng với giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho các tổ chức, hộ dân và cá nhân quản lý, sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp để rừng có chủ thực sự. Tính đến nay, huyện Tuần Giáo đã hoàn thiện thủ tục để giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hơn 800 hộ dân với diện tích hơn 2.000ha; 176 cộng đồng dân cư với gần 34.000ha; hoàn thành việc kiểm kê rừng, rà soát hiện trạng, xác định diện tích, ranh giới, trữ lượng, chủ rừng với tổng diện tích gần 39.000ha.

Khó khăn hiện nay trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn huyện Tuần Giáo là do lực lượng kiểm lâm mỏng. Hiện nay một kiểm lâm địa bàn phải quản lý, theo dõi gần 3.000ha rừng, trong khi theo quy định thì 1 kiểm lâm chỉ quản lý, theo dõi 1.000ha rừng. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (55,6%); nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa tuy có sự chuyển biến hơn trước, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, còn duy trì tập quán canh tác, sản xuất trên nương... cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top